Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

Thước đo ý nghĩa cuộc đời là sự đóng góp


TTCT - 15 năm qua, mỗi năm bác sĩ nhi khoa Quỳnh Kiều từ Mỹ về Việt Nam hai lần theo chương trình mà bà thành lập Project Vietnam Foundation (Quỹ Dự án Việt Nam). Quỹ Dự án Việt Nam của bác sĩ nhi khoa Quỳnh Kiều thực hiện nhiều công việc và dự án khác nhau nhằm mục tiêu nâng cao hỗ trợ sức khỏe cho những trẻ em đang gặp nguy hiểm, cho các cộng đồng nghèo ở nông thôn và đào tạo các chuyên viên y tế tại Việt Nam.
Bác sĩ Quỳnh Kiều sinh ở Hà Nội, là người đầu tiên trong lịch sử Mỹ cùng lúc được trao hai giải thưởng: Phụ nữ xuất sắc nhất trong năm của quốc hội bang California và Bác sĩ mang lại hãnh diện cho ngành y khoa do chính các đồng nghiệp thuộc Hội Y sĩ Hoa Kỳ bầu chọn. Bà có ba con và đều đã trưởng thành.
Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã trò chuyện với bà ngày 6-11, sau khi bà cùng các chuyên gia Mỹ chia sẻ với các phụ huynh kinh nghiệm nuôi dưỡng trẻ em tại TP.HCM.

Tiền bạc không mua được sự thỏa mãn tinh thần
* Thưa bà, nhìn các bậc phụ huynh dành thời gian đến để nghe cách chăm sóc con khiến chúng ta cảm thấy có nhiều hi vọng về việc các em nhỏ ngày càng được chăm sóc tốt và đúng cách hơn. Các phụ huynh vốn hay lấy lý do quá bận rộn nên những
dịp này quả là dịp quý?

- Cha mẹ luôn là người sát cánh với con mình nhất, giúp con phát triển nhiều nhất. Bất kỳ ai khác can thiệp chỉ là những người tư vấn vì họ có chuyên môn mà thôi. Vấn đề là các gia đình ngày càng bận rộn lo lắng cho kinh tế, vì vậy họ phó mặc thời gian chăm sóc và vui chơi với con cái cho người giúp việc, cô giáo, nhà trường.
Dẫu thế, trước và sau khi đón bé từ trường về, cha mẹ vẫn có thể dành thời gian trực tiếp tiếp xúc với bé, dù thời gian đó ít ỏi nhưng rất có ý nghĩa. Các ông bố bà mẹ về thì hay làm việc nhà, thời gian dành thật sự toàn vẹn tâm trí cho các bé hay thông tin, trò chuyện với các bé không nhiều.
Trong quãng thời gian ít ỏi đó, để giúp bé phát triển, nếu cha mẹ làm việc nhà thì nên cố gắng lôi kéo sự quan tâm của bé vào việc đó. Ví dụ khi giặt giũ thì rủ bé cùng làm, chỉ màu sắc, đồ đạc và nói chuyện để bé phát triển nhận thức. Nếu cha mẹ mang về nhà sự căng thẳng của công việc thì chẳng ích gì cho sự phát triển của con.
Hành động sẽ kéo theo cảm giác. Nếu họ luôn nghĩ đứa con vô cùng quan trọng với mình và cần làm gì để giúp bé phát triển, đó mới là sứ mệnh cao cả và quan trọng nhất của cha mẹ khi họ bước chân về đến nhà.
* Nhưng các bậc cha mẹ cần đi làm để kiếm tiền lo cho tương lai của con...
- Tương lai của con nằm ở chỗ cha mẹ giúp con phát triển ra sao. Không phải cha mẹ lo cho tương lai bằng sự trọn vẹn về tài chính, mà là làm sao cho con phát triển tối đa, thông minh nhất, phát triển tất cả tiềm năng của bé.
Theo tôi, mấu chốt là cha mẹ phải ở bên con, làm sao cho con hiểu được những giá trị mà bản thân cha mẹ cũng đề cao và tôn trọng. Ví dụ cha mẹ muốn con mình học hỏi nhiều nhưng chỉ lo chuyện vật chất thì con cái họ sẽ nghĩ thế nào?
Cha mẹ là người mà con cái tiếp xúc đầu tiên khi vừa mở mắt, sáng thức dậy, tối đi ngủ. Qua những gì cha mẹ làm, con cái sẽ khám phá ra thế giới. Bởi vậy, giả sử cha mẹ có những người không có điều kiện học hoặc không học được, nhưng họ có tinh thần học hỏi thì con cái sẽ hấp thu được tinh thần đó.
Ở Mỹ, các gia đình thành công không phải là gia đình giàu có. Tỉ phú Warren Buffett không để lại tài sản cho con mà gửi hết vào từ thiện, vì ông tin rằng con ông phải tự lo cho cuộc sống của mình, và quả thật con ông ấy tự làm được. Vấn đề quan trọng là cha mẹ giúp cho con hiểu những ưu tiên của họ về đời sống, giá trị tinh thần và khi con cái thông minh, sắc bén thì chúng sẽ làm được.
* Bà đã đưa đoàn thiện nguyện trở về Việt Nam thực hiện các đợt khám chữa bệnh, đào tạo cho các trẻ em Việt Nam hoàn toàn miễn phí. Các thành viên không được lợi gì về vật chất, thậm chí họ phải tự bỏ tiền trả các chi phí của chuyến đi (khoảng 2.500 USD/người). Bà đã thuyết phục mọi người tham gia và duy trì công việc đó ra sao?
- Ước mơ của chúng tôi là mỗi em bé Việt Nam đều có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình. Muốn vậy các em phải khỏe mạnh. Những phái đoàn của chúng tôi đã đi đến các vùng sâu vùng xa của 29 tỉnh thành. Đây là lần đầu tiên chúng tôi không đem phái đoàn lớn mà chỉ đi đoàn đào tạo.
Tháng 3-2011, chúng tôi sẽ có đoàn lớn khoảng 80 chuyên gia vừa làm phẫu thuật, khám bệnh và giảng dạy. Chúng tôi trao đổi, đem tin mới ở nước ngoài mà chúng tôi tin rằng có thể ứng dụng vào thực tế cải thiện sức khỏe cho trẻ em Việt Nam.
Như tôi đã nói, mình không cần nhiều tiền mà quan trọng là thời gian và bố mẹ, xã hội hiểu những nhu cầu đặc biệt của các cháu, tuổi nào cần gì, tuổi nào giúp phát triển sức mạnh. Chồng tôi vẫn nói đây là công việc mà tôi dành toàn bộ thời gian dù lẽ ra đó phải là việc liên quan tới chuyên môn ở Mỹ. Dù làm ở Việt Nam tôi không có thù lao nhưng lại có sự thỏa mãn về tinh thần, mà điều này tiền bạc không mua được.
Với các thành viên tham gia có tới 50% là người Mỹ, để có thể quyên góp được tiền cho các dự án, điều quan trọng để họ cảm thấy muốn tiếp tục tham gia chính là nhìn thấy rõ tác dụng và hiệu quả của chương trình ngay cả khi họ đã rời khỏi Việt Nam.
Không phải để được vinh danh
* Bà bắt đầu quan tâm công việc thiện nguyện ở Việt Nam từ khi nào?
- Tôi trở về bắt tay vào công tác thiện nguyện ngay khi Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ (bà Quỳnh Kiều đến Mỹ năm 25 tuổi, sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn khóa cuối cùng). Tôi vẫn nhớ bố tôi nói rằng giá trị của con người đo lường bằng sự đóng góp của họ cho xã hội. Và quan điểm đó tạo thành cách nhìn cho tôi.
Nhưng tôi cũng may mắn hơn rất nhiều người, nhất là khi chồng tôi có cùng triết lý sống với tôi, hỗ trợ tôi làm việc. Lần này chồng tôi không về cùng vì là bác sĩ gây tê, chỉ về Việt Nam khi có phái đoàn phẫu thuật.
Suy nghĩ về sự đóng góp cho đất nước trong tôi không thay đổi suốt mấy chục năm qua. Tôi vẫn luôn cảm thấy mình là người Việt Nam. Càng thấy trẻ em bên Mỹ được sự may mắn nhờ các dịch vụ hỗ trợ tốt, tôi càng cảm thấy sự xa cách và khác biệt trong y tế với trẻ em càng lớn. Tôi ước ao có thể đóng góp với mong muốn là trong nước tạo điều kiện nhiều hơn.
Lần này tôi hướng dẫn chương trình mới về cấp cứu trẻ em ở trường mầm non và các nhà trẻ, giúp các giáo viên và bảo mẫu kiến thức chăm sóc trẻ em theo chuẩn của Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ mà tổ chức chúng tôi là đối tác thành viên. Chúng tôi đã dạy được hai buổi rồi, nhưng nhiều người đăng ký quá. Chúng tôi muốn dạy thêm một buổi nữa nhưng không được vì không được cấp phép kịp. Lẽ ra chúng tôi có thể đóng góp nhiều hơn nữa.
* Những khi gặp khó khăn như vậy, bà cảm thấy sao?
- Tôi cũng bực mình, nhưng nghĩ lại thấy mình đang đem lại điều gì đó cho những người chăm sóc trẻ em và gia đình thì thấy phấn khởi trở lại để tiếp tục con đường. Tôi làm vì niềm tin, vì trẻ em Việt Nam. Chăm sóc nhi khoa ở Việt Nam đang có những thay đổi. Y tế ổn hơn, dinh dưỡng tốt hơn. Nhưng cần phải dinh dưỡng đúng cách vì có tiền không có nghĩa là dinh dưỡng phù hợp và tốt cho sự phát triển của bé.
Trẻ em Việt Nam thường chỉ được đưa đến bác sĩ khi cần chủng ngừa, ốm đau và ít ai hỏi bé đã nói được mấy chữ, thích chơi trò gì. Ở Mỹ, tiêu chuẩn bác sĩ nhi là phải tầm soát sự phát triển của bé theo giai đoạn và tư vấn cho các gia đình.
* Năm 2007, bà được trao tặng giải thưởng Vinh danh nước Việt. Bà nghĩ thế nào về những giải thưởng mình có được?
- Khi lễ trao giải diễn ra, tôi bận dự khai mạc hội thảo nhi ở Huế. Khi người phát biểu khai mạc sự kiện nói “Tôi được biết đáng lẽ bác sĩ Quỳnh Kiều phải có mặt ở Hà Nội lúc này để nhận giải thưởng”, tôi trả lời chỗ mà tôi phải có mặt là ở đây (hội nghị nhi) vì đây là công việc của tôi.
Tôi làm công việc này đâu phải để được vinh danh. 15 năm qua, chúng tôi đã trao đổi với các cơ quan quản lý y tế về nhi để đóng góp, tìm kiếm phương thức phù hợp trong nước nhằm tăng an toàn cho trẻ em từ lúc lọt lòng. Giá mà thay vì trao giải thưởng, Nhà nước tạo điều kiện để công việc giúp đỡ cộng đồng của chúng tôi được thuận tiện thì tôi sung sướng biết bao nhiêu. Đó chính là sự giúp đỡ thực tế.
* Xin cảm ơn bác sĩ.
http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/410706/Thuoc-do-y-nghia-cuoc-doi-la-su-dong-gop.html

Nhồi sọ quá sẽ không sáng tạo được
Trẻ em ở Việt Nam vừa từ trường về nhà không những phải làm bài mà còn phải đi học thêm. Mới bé tí xíu mà phải học thêm. Thời gian các em không đi học chính là lúc não bộ các em phát triển. Thời gian các em chơi đùa với đồ chơi, với chúng bạn chính là lúc các em sáng tạo.
Bắt trẻ em đi học theo kiểu nhồi sọ, lúc nào cũng đến lớp không phải là điều quý. Người Mỹ không tiết kiệm được như người Nhật vì họ đặt cao nhu cầu thụ hưởng của cá nhân. Nhưng nước Mỹ vẫn tồn tại và phát triển vì người Mỹ có óc sáng tạo. Nhồi sọ quá sẽ không sáng tạo được.
Trên thế giới này, những gì quan trọng là được phát triển vượt ngoài khuôn mẫu. Bố mẹ muốn con phát triển thì phải tính toán tới những gì ngoài khuôn mẫu, phải tin con mình có sức mạnh, là một cá nhân riêng và phải có phương pháp phù hợp với sự phát triển của con.
BS QUỲNH KIỀU

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

Chuyện nhỏ và to trong quản lý giá


TTCT - Những ngày này, cơn bão giá đang hoành hành trên khắp cả nước. Thực tế nạn tăng giá hàng hóa thiết yếu vô tội vạ đã diễn ra từ khá lâu.


Chỉ đến khi Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt, gay gắt thì các cơ quan chức năng quản lý ở cấp cơ sở mới lục tục vào cuộc. Nhưng cũng chỉ là họp hành, trả lời phỏng vấn báo đài với những lời khẳng định chắc như đinh đóng cột “thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ”, “kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm”, hay “siết chặt các biện pháp quản lý giá, không để tăng giá bất hợp lý”...
Sẽ có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra được thành lập và cũng có thể sẽ có những trường hợp bị xử phạt. Song bấy nhiêu thứ vẫn khiến những người lao động, làm công ăn lương cảm giác rằng họ - tức các cơ quan chức năng - vẫn như người ngoài cuộc. Bởi họ thực thi chuyện to. Còn trong mỗi gia đình nhỏ, vẫn luôn là nỗi phấp phỏng khi chi tiêu cho cuộc sống thường nhật.
Nói như vậy là vì ngoại trừ các đại gia, còn các bà nội trợ, những người lao động bình thường có cách tính toán về chuyện giá tăng giá giảm rất khác với các chuyên gia, học giả. Ví dụ một người lao động nghèo trước đây có thể ăn no cơm trưa vỉa hè với giá 10.000 đồng. Nhưng nay thì tùng tiệm lắm cũng hết 20.000 đồng.
Một ký thịt heo trước đây chưa lâu mới 60.000 đồng, giờ lên 90.000 đồng. Một vỉ thuốc tây từ 100.000 lên 150.000 đồng. Nhiêu đó đủ để người tiêu dùng thắt ruột thắt gan vì không biết đến sang tháng, sang năm còn những gì có thể diễn ra. Nhưng trên tivi, báo đài thấy có không ít học giả, chức sắc lại nói chuyện đâu đâu về những “tỉ giá cánh kéo”, “cân đối cung cầu”...
Cách họ diễn giải cũng rất xa xôi. Ví dụ, nói về tân dược, họ lý giải thật ra do những biến động về tỉ giá VND/USD hay gì gì đó thì giá tân dược chỉ biến động chút xíu, khoảng 5-7% gì đó từ đầu năm đến nay. Bà con yên tâm. Trời đất, hóa ra các vị cộng chung tất cả những loại thuốc trên trời dưới đất vào với nhau, trong đó có những loại thuốc không uống chẳng chết ai rồi chia trung bình để ra một kết quả... hòa bình cho mọi người.
Trong khi những thuốc thiết yếu, biệt dược mà người ốm đau không có là tắc tử lại cứ điệp khúc hôm nay tăng, ngày mai tăng và có thể những ngày sau lại tăng. Hoặc nữa, có vị đem cộng giá bất động sản hay những thứ cả đời nếu không mua được thì... cũng vẫn khỏe với những thứ phải ăn phải mặc hằng ngày rồi cũng đem chia đều, kết quả là bà con nghe lùng bùng.
Mấy bữa nay, giá vàng tăng phi mã. Nhưng khắp địa cầu chỗ nào mà giá vàng không tăng. Bà con đi chợ cứ việc tần ngần trước những bảng giá đã được niêm yết và băn khoăn tự hỏi liệu rằng ở nơi khác có sự liên quan tới giá vàng và giá thịt heo không. Nếu hỏi rằng vì sao giá vàng Việt Nam cao ngất ngưởng vậy trời thì ai cũng biết câu trả lời: do tăng theo giá vàng thế giới.
Nhưng cũng hiện tại, cuộc khảo sát mới đây của Tổ chức Y tế thế giới với bảy nhóm thuốc thông dụng (trong đó có kháng sinh) đã chỉ ra rằng giá thuốc tại Việt Nam đang cao gấp từ 5-40 lần so với bình diện chung thế giới. Tại sao sự so sánh nho nhỏ này lại không phải do các cơ quan quản lý của ta phát hiện ra nhỉ?

THÁI ANH

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY THÀNH LẬP: ÔN LẠI QUÁ KHỨ CỦA CESR - FHF giúp Huế xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng

Ngày 5/4, tại Thừa Thiên-Huế, Hội từ thiện thân hữu Huế (FHF) tại Mỹ và Trung tâm khuyến khích tự lập (CERS) phối hợp với chính quyền địa phương đưa nhà sinh hoạt cộng đồng và nhà mẫu giáo tránh lũ vào hoạt động tại khu phố Lợi Nông và các khu phố lân cận thuộc phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy.Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 8/2009 đến nay, với tổng vốn đầu tư hơn 864 triệu đồng. Công trình nhà sinh hoạt cộng đồng gồm nhà mẫu giáo với hai phòng học, thu nhận được khoảng 50 cháu nhỏ đến tuổi đi học và nhà tránh lũ cho nhân dân trong mùa lũ. Đây cũng là nơi hội họp, tuyên truyền thông tin, giao lưu văn hóa văn nghệ, phổ cập giáo dục cho nhân dân, tập huấn chuyển giao công nghệ, nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và các hoạt động chăm sóc y tế cộng đồng cho những người dân địa phương.Hiện tại, Hội từ thiện thân hữu Huế đang tiếp tục tài trợ dự án "Trung tâm Bảo trợ và hướng nghiệp Trẻ em Xuân Phú - Huế" nhằm giúp đỡ nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn./.
Quốc Việt (báo Vietnamplus)
Một bài báo từ nhịp cầu đầu tư viết về Trung tâm Khuyến Khích Tự lập - ở đây

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY THÀNH LẬP: ÔN LẠI QUÁ KHỨ CỦA CESR

Trung tâm Khuyến khích tự lập Huế đoạt giải thưởng của Liên Hiệp Quốc
Tin từ Ban Đối ngoại TP Huế sáng nay, 11-3, cho biết: Vượt qua hơn 5.000 tổ chức phi chính phủ trên toàn thế giới, Trung tâm Khuyến khích tự lập Huế (TTKKTL- Fund for Encouragement of Self - Reliance) đã cùng với 4 tổ chức khác được UN-HABITAT (chương trình định cư cho người dân) của Liêp Hiệp Quốc trao giải thưởng về các quyền lợi trong sự phát triển đô thị bền vững. Theo đó, ngày 7-3, tại Colombo (Sri-Lanka), UN-HABITAT đã tổ chức lễ trao giải, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki- Moon đã có bài phát biểu quan trọng qua video tại lễ này. Năm 2000, những tình nguyện viên và những cộng tác viên Việt kiều Mỹ đã vận động thành lập Quỹ Khuyến khích tự lập (nay là TTKKTL Huế). Với hình thức là một chương trình tín dụng vi mô (dành một khoản tiền nhỏ giúp các hộ nghèo vay vốn xóa đói giảm nghèo), trong 7 năm qua (2000-2007), TTKKTL Huế đã giúp đỡ hơn 10.000 hộ nghèo tại 32 phường, xã có công ăn việc làm, thu nhập ổn định và nuôi con học hành. Từ kết quả này, TTKKTL Huế đã chính thức được Liên Hiệp Quốc chọn trao giải.
Linh ở đây
Một tổ chức tín dụng của Huế đạt giải thưởng của Liên Hiệp Quốc
Ngày 10.3, ông Phan Văn Hải, Tổng giám đốc Trung tâm khuyến khích tự lập Huế cho biết: Ngày 7.3, vượt qua hơn 5.000 tổ chức phi chính phủ trên toàn thế giới, Trung tâm khuyến khích tự lập Huế đã cùng với 4 tổ chức khác được Chương trình định cư cho người dân của LHQ trao giải thưởng về các quyền lợi trong sự phát triển đô thị bền vững.
Với hình thức là một chương trình tín dụng vi mô (dành một khoản tiền nhỏ giúp các hộ nghèo vay vốn xóa đói giảm nghèo), trong 7 năm qua (2000-2007), Trung tâm khuyến khích tự lập Huế đã giúp đỡ hơn 10.000 hộ nghèo tại 32 phường, xã có công ăn việc làm, thu nhập ổn định và nuôi dưỡng con cái học hành.
(Bùi Ngọc Long)
Linh ở đây