Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

ĐẮNG LÒNG





Đã từ lâu, không có thời gian để xem tin tức thời sự hoặc bất cứ chương trình giải trí nào ngoài thể thao trên truyền hình, tôi không  cập nhật được tình hình như bố mẹ nay có nhiều thời gian rãnh rổi sum vầy bên con cháu.

Đang ngồi uống nước sau khi ăn trưa (cuối  tháng 9/2012), mẹ nói:
"Hôm qua có phóng sự về trẻ em nghèo thiếu ăn, quá tội"
"Phóng viên thật giỏi và dũng cảm, biên tập viên rất bản lĩnh khi đưa tin"
Không biết chuyện gì tôi hỏi bâng quơ: "Dạ, có tin vì vậy ạ?"

Ông bà thay nhau kể : " Chuyện một đứa trẻ bị bệnh, không có chi ăn cả, ngoài sắn (củ mì) chan thêm nước muối".
"Đến khi nhà báo, quay phim và đoàn từ thiện tới thì em đã tắt thở"; "Chúng tôi không kịp cứu em - đó là lời bình kết thúc phóng sự".

Đang uống li trà atiso pha đường ngọt lịm mà tôi thấy đắng ngắt, nước mắt tuôn chảy khi nào không hay!.

Tại sao?
Tại sao?
Tại sao?

PVH

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

KỸ NĂNG NGOẠI GIAO





Gần đây có cuộc gặp mặt được tổ chức bởi Bộ Quốc Phòng VN cho những cán bộ đã từng học tập tại Trung Quốc qua các thời kỳ.

Nói chung, về ngoại giao chúng ta có thể tiến hành những cuộc gặp này để củng cố quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Tuy nhiên, trong tình hình chính phủ TQ đang tiếp tục có những chính sách gây hấn, cứng rắn đối với VN mà chúng ta lại có những từ ngữ như “ mãi biết ơn quân đội…” thì không đúng lúc.

Nên chăng có thể thay cụm từ này thành “ghi nhớ ơn nhân dân Trung Hoa giúp đỡ trong kháng chiến…”. Bởi vì nếu TQ có viện trợ, giúp đỡ VN trong chiến tranh vệ quốc thì tài lực, và nhân lực đó cũng do người dân TQ gánh vác. Chính phủ chỉ là đại diện thể hiện ý chí của người dân thôi.

Mới đây, chính phủ TQ thành lập lập Tam Sa tại đảo Phú Quý, lập sở chỉ huy quân đồn trú ở Hoàng Sa của Việt Nam, tuyên truyền về bản đồ 9 đoạn phi pháp, đưa và đón 30 tàu đi tận thu hải sản tại Trường Sa…cũng do nhà nước tổ chức. Chưa chắc người dân TQ có lương tri nào lại ủng hộ những việc làm sai trái đó. Vì vậy, “ nghĩa cử biết ơn” nên qui tập vào người dân lương thiện hơn là hướng tới một chính phủ vô cảm và có bộ mặt rất “xấu”.

Vậy, ngoại giao cần góp phần vào việc tạo dựng sức mạnh cho dân tộc, chứ không phải làm yếu đi sức mạnh vốn có to lớn đó.

Xin đừng để có thêm “sơ suất” đáng tiếc về vấn đề này.

PVH

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

KHÔNG THỂ KHÔNG LO




Dân tộc ta đang đứng trước những thách thức to lớn, như con tàu ra khơi đang đương đầu với dông bão. Dường như Trung Quốc đang leo thang và thực sự mong muốn có một cuộc đụng chạm để lấy cớ ra tay tấn công chiếm biển đảo vào lúc này. Dường như tập đoàn lãnh đạo Trung Quốc trong buổi chuyển giao quyền lực, và tranh giành quyền lực muốn đổ vấy trách nhiệm cho nhau, và sẽ không thống nhất được cách thức giải quyết vấn đề biển Đông, hoặc nhân cơ hội này muốn đổ vấy tránh nhiệm cho nhau nếu chính sách gây hấn bị thất bại, mà chắc chắn là sẽ thất bại vì không có chính nghĩa và căn cứ pháp luật.
Điều chúng ta quan tâm là tìm cách đối phó với sự leo thang của TQ trong thời gian tới như thế nào hiệu quả nhất.
Chúng ta phải có một lập trường kiên định: “VN không liên minh với ai để chống nước nay nước nọ cả, chúng ta cần phải độc lập trong việc tự ra quyết định.”
Chúng ta đề phòng trường hợp các bên vì lợi ích quốc gia của mình, sẵn sàng thỏa hiệp với nhau để bán đứng VN như trước đây, và phải sẵn sàng cho trường hợp xấu nhất này. Lịch sử cho thấy VN chưa từng bao giờ bán đứng đồng minh, bạn bè của mình.

Về góc độ phòng thủ quốc gia, chúng ta cần phải chú ý các vấn đề sau:
-   Phòng bị chặt ở biên giới chung, và biên giới gián tiếp nếu bị lợi dụng mượn đường.
-   Khoanh vùng, cô lập và ra soát kỹ các đối tượng lao động nước ngoài đầy khả nghi.
-   Đưa các công trình do nước ngoài thi công vào danh mục cần quan tâm đặc biệt khi có biến.
-   Phòng bị chặt ở các tuyến xung yếu ven biển, tránh bị bất ngờ khi bị tấn công ở các tuyến  bờ biển từ quân đổ bộ kết hợp nhảy dù.
-   Tăng cường huấn luyện tác chiến du kích, tấn công và phòng thủ ở đô thị và ven đô thị, nông thôn.
-   Chuẩn bị lương thực, thực phầm, nhiên liệu trong thời gian vừa đủ để tình hình trở lại bình thường.

Về đối phó với gây hấn, chúng ta cần phải:
-   Kiên nhẫn không manh động để bị mắc bẫy, không sử dụng vũ lực trước.
-   Tăng cường hệ thống cảnh báo và quan sát, trinh sát vệ tinh và từ xa, trên không, dưới biển để ghi lại các chứng cứ bên ngoài xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của ta.
-   Củng cố hợp đồng các binh chủng và lực lượng ven biển trong công tác huấn luyện chiến đấu và tập bắn đạn thật định kỳ để trao dồi khả năng tác chiến và chỉ huy.
-   Nghiên cứu cách đánh du kích trên biển, phát huy truyền thống của Yết Kiêu thời nhà Trần đã bao phen làm thủy binh, hải quân Mông – Nguyên tan tác khiếp sợ.

Với truyền thống dân tộc, với sự cổ võ của lực lượng tiến bộ và công pháp quốc tế, dân tộc ta chắc chắn sẽ gặt hái chiến thắng nếu ngoại bang liều lĩnh xâm lấn chủ quyền nước ta.

PVH

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

“ĐẸP VÕ” VÀ “CHÂN TÂM”




Kho tàng tục ngữ ca dao Việt Nam rất phong phú. Từ khía cạnh đạo đức và tính cách con người nghiên cứu kho tàng này hẵn như nghiên cứu một “Giáo khoa thư” giúp ta nhìn nhận và đánh giá con người một cách toàn diện, tránh võ đoán, thiên kiến, thiếu khách quan...



Triết học Mác-Lê có phạm trù “nội dung” và “hình thức”, những ai học qua sẽ thấy mối liên hệ phổ biến, ràng buộc giữa hai khái niệm này được lý luận rất khoa học.



Những ai có học Phật, chắc sẽ hiểu được từ “Chân Tâm” đặc biệt là quí Tăng Ni Phật tử tu thiền theo phái Thiền Tông.



Khái niệm “chân tâm” trong đời thường được hiểu khác “Chân Tâm” trong đạo Phật hoặc “Nội Dung” theo Triết học.



Những trao đổi dưới đây người viết dùng khái niệm “chân tâm” theo nghĩa đời thường: đó là tâm thật của một con người.



Chúng ta đã từng nghe những áng tục ngữ ca dao như dưới đây:



“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn

Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người...”;



“Đường dài hay sức ngựa, nước loạn biết tôi trung”;



“Cái nết đánh chết cái đẹp”;



“Thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết con người có nhân”;



“Lòng sông lòng bể dễ dò, ai từng bẻ thước mà đo lòng người“;



Hết thảy đều nói về tâm thật của một con người, “tâm” này được khuất lấp ẩn mình qua bao thời gian năm tháng, vẽ đẹp bên ngoài, những lời nói có cánh, sự cố tạo ra một “giả hình” rất đẹp đẽ để lòa mắt thiên hạ...Rồi tất cả đều không che dấu được ai cả, chân tâm tự nó lên tiếng hiện hình.

Cuối cùng chân tâm, “chân tướng” phải bị lòi ra ở thời điểm không ai ngờ. Vì vậy dân gian gian mới có câu xách mé: “ Được cái bề ngoài”; hay là để phê bình những ai khéo dệt “ đặng hồng võ” tức ĐỂ “ĐẸP VÕ”!

Từ đó... mới biết “chân tâm”!



Mùa Phật Đản 2012



PVH

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

BIẾT VIẾT GÌ ĐÂY?






Chữ nghĩa hình như đã khô cạn.

Bia rượu đã vơi.

Nỗi sầu không thể đầy thêm

Niềm vui làm gì có

Tiếng đạn pháo đã nổ

Trên cánh đồng quê hương,

Trong thời bình

Mà lòng người nhiều tang thương.



Niềm tin đã vơi đi

Với những ai

Luôn thề trung thành với cha mẹ

Và mãnh đất chôn nhau

Đó chính là “quê hương”

Và “đất nước”



Thế mà cũng chính họ

Không chút động lòng

Dùng chuyên chính công nông

Với đội quân an ninh hùng hậu

Đối đầu với sức mạnh với nhân dân

Trên cánh đồng

Bao máu xương rơi phơi

Mới có được như hôm nay

Lại trắng tay như xưa



Còn một chút niềm tin thôi,

Rồi sẽ lịm tắt

Nếu người không có mắt

Thì sẽ có lưới trời

Thần công lý

Là niềm tin nhỏ nhoi của tôi

Còn lại với sự kiện nhức lòng

Của Văn Giang, Hưng Yên mới đây



Xin khóc cho những kiếp cần lao

Xin cầu nguyện cho đồng bào

Bị oan khiên mất đất

Xin mọi người hãy có cùng tiếng nói

Thể hiện chính kiến của mình

Nếu không,

Cũng có ngày

Chính họ cũng bị cưỡng đoạt

Những gì đang có hôm nay, trong tay

Bởi pháp luật

Được tùy tiện hướng dẫn, giải bày.

Biết viết gì đây, khi niềm tin còn ít

Mà  hờn giận đã chất đầy!



PVH





Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

“Cách ....mạng QUAN”

Xin nói rõ nội dung mà người viết bài này đề cập khác hoàn toàn với các cuộc cách mạng nổi tiếng trên thế giới gần đây. Khác Cách mạng “mầu”, Cam, Hồng, Nhung, hay cách mạng “mùa” như Xuân Ai Cập.. hay cách mạng “hoa” như Nhài của Tunisia...Vì tất cả đều là những sự kiện thuộc tầm vĩ mô tầm thế giới. Sức hiểu biết có hạn của người viết không bao quát được nên khó có thể bình luận.

Nay thì quay về với quê nhà, dân tộc và đất nước của mình, nơi chôn nhau cắt rốn mình. Nơi được nói ngôn ngữ mẹ đẻ, được hít thở không khí dân chủ hơn thời bao cấp, được uống nước làng quê còn tinh khiết, được giáo dục hoàn toàn trong nước, may chăng lời bình của mình có thể khách quan và nếu sai thì cũng dễ được thông cảm hơn. Vụ “Tiên Lãng” cũng là chất liệu để xây dựng được vài viết này.

Sinh thời, Bác Hồ rất ghét những ông quan...cách mạng hay đè đầu cưỡi cổ dân như thời thực dân phong kiến. Bác lấy các chữ: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí Công, Vô Tư để răn dạy cán bộ cách mạng.
Bác còn nói, nếu chánh phủ làm không tốt thì người dân có thể đuổi (những người làm dở) trong chánh phủ...
Bác răn ngành công an phải Hiếu với dân, tức coi dân như cha mẹ sinh ra mình..., qua đó phải cung cúc tận tụy phục vụ nhân dân, thức cho dân ngũ, canh cho dân yên...
Lời dạy của Bác còn nhiều nhiều, nhưng chỉ với những chấm phá trên cùng với lối sống giản dị, thanh bạch của người đã là tấm gương cho biết bao thế hệ.
Tất nhiên, làm người thì cũng có khi sai lầm, ít mắc sai lầm như Người có thể liệt vào hàng thánh nhân giữa đời thường.

“Cách mạng” không thể là sự hiểu cắt đi cái mạng của giai cấp địa chủ như nhân vật A.Q của Lỗ Tấn đã nói, càng không thể là tước bỏ sinh mệnh của người khác bởi vì người ta có ruộng vườn gia súc hơn người như thời kỳ cải cách ruộng đất những năm 50, hay “đào tận gốc, trốc tận ngọn” tịch thu hết tư bản và gia sản của tư sản thời luật pháp u minh ngày nào....

“Cách ...mạng quan” chính là phải đào thải những ông quan hại dân, hại nước, tham nhũng, sâu mọt, vinh thân phì gia. Cách mạng QUAN, chính là làm cho sinh mệnh chính trị của họ bị tổn thương bởi vũ khí pháp luật và sự tố giác của nhân dân chính nghĩa chịu nghiều oan khuất.
Phải tước đoạt của QUAN THAM họ những gì họ đã tước đoạt của nhân dân và của đất nước.
Gần 70 năm trước, chính quyền non trẻ của Việt Nam đứng trước 3 chính nạn nghiêm trọng như nhau là Đói, Dốt, Ngoại Xâm. Nhờ dự đồng lòng của toàn thể đồng bào lúc đó đang còn đói khổ và lạc hậu, nước Việt Nam thực sự đã có tên trên bản đồ thế giới và đàng hoàng giao thiệp bình đẳng với tất cả các quốc gia khác.

Nay chính nạn đã được trên dưới chỉ rõ là “quốc nạn tham nhũng”, nó như giặc NỘI XÂM vậy, nguy hiểm nhiều khi còn hơn giặc ngoại xâm. Vì nó đánh từ từ làm mục nát đất nước va nhân tâm từ trong ra, đó là di họa có thể gây di căn cho toàn thể dân tộc một ngày nào đó nếu không ra tay “trị liệu” bằng việc cách...một loạt mạng quan dính líu tới tham nhũng và quan liêu vô độ, cho họ về vườn nếu thiếu năng lực, đưa họ vào tù nếu có dấu hiệu đục khoét, thậm chí thiếu tinh thần “ công vụ” gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng...ngay từ bây giờ.

Muốn làm yên lòng dân, được dân tin yêu, muốn đất nước ổn định để phát triển vượt bậc, cần phải làm một cuộc cách mạng QUAN kịp thời. Các dấu hiệu để tiến hành xem ra đã chín mùi. Bắt đầu trước TIÊN là từ vùng t.LÃNG, Hải Phòng đó!

Bây giờ hoặc không còn có bao giờ nữa!


PVH