Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Hội nghị thượng đỉnh G20 thông qua Tuyên bố Seoul

Tuyên bố cho biết các nước thành viên G20 cam kết áp dụng biện pháp kiểm soát vĩ mô để đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính, duy trì giá cả ổn định và chính sách tiền tệ thúc đẩy kinh tế phục hồi, áp dụng chính sách tỷ giá hối đoái để thị trường quyết định nhiều hơn, tránh biện pháp giảm giá tiền tệ để cạnh tranh.
Sau đây là bản tóm tắt nội dung của Tuyên bố Seoul:
Về tiền tệ và tỷ giá hối đoái: xác minh lại nguyên tắc hợp tác về tỷ giá hối đoái giữa các nước phát triển và các thị trường mới nổi.
Về thương mại và phát triển: loại bỏ chủ nghĩa bảo hộ thương mại và các rào cản cản trở các nước đang phát triển tăng trưởng.
Về tài chính: các nước phát triển sẽ thiết lập kế hoạch tài chính hoàn thiện, quan tâm đến yếu tố phát sinh từ việc thực hiện hoặc không thực hiện kế hoạch có thể là bùng phát nguy cơ kinh tế. Ngoài ra, hội nghị cũng cam kết thực hiện đầy đủ chế độ quản lý vốn ngân hàng và tiêu chuẩn quốc tế mới, nỗ lực tiến hành cải cách.
Về cải cách cơ cấu: các nước sẽ căn cứ vào tình hình trong nước thúc đẩy cải cách cơ cấu để kích cầu, tạo việc làm, thúc đẩy sự phát triển cân bằng của thế giới, tăng tiềm năng tăng trưởng.
Về cải cách Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF): hội nghị hoan nghênh cải cách cơ cấu và quản trị của IMF, bao gồm tăng 6% quyền biểu quyết cho các nước mới nổi và cải thiện chế độ cho vay của IMF.
Về quy chế tài chính: các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh G20 đã thông qua quy định Basel III về giám sát ngân hàng, các nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến dòng vốn và các tổ chức tài chính lớn toàn cầu.
Về thương mại: các nước thành viên G20 đồng ý sớm hoàn thành chương trình nghị sự phát triển vòng đàm phán Doha (DDA), trước năm 2013 không thiết lập rào cản thương mại và đầu tư mới, đạt đồng thuận chống lại bất kỳ hình thức bảo hộ thương mại nào.
Về phát triển: những người tham gia đồng ý giải quyết vấn đề xóa đói giảm nghèo tại các nước đang phát triển và thu hẹp khoảng cách phát triển cần đẩy mạnh các vấn đề phát triển và đã đạt được “Thỏa thuận phát triển Seoul”.
Theo một số nhà phân tích, Hội nghị G20 Seoul đã giải quyết được một số lo ngại chính của các nhà lãnh đạo châu Á và các chuyên gia theo dõi thị trường, đó là việc thiết lập các hệ thống hối đoái dựa trên thị trường và việc các nhà lãnh đạo G20 cam kết phối hợp các nỗ lực để tránh sự mất cân bằng về kinh tế.
Ông Stephen Schwartz, một nhà kinh tế của Ngân hàng đầu tư Tây Ban Nha tại Hongkong (Trung Quốc) đánh giá thỏa thuận đạt được tại hội nghị lần này là kết quả tích cực. Còn ông Anselmo Lee, một thành viên tổ chức phi lợi nhuận có tên gọi “Kêu gọi toàn cầu để chống đói nghèo” bày tỏ: “Chúng tôi rất hạnh phúc về kết quả hội nghị Seoul, bởi các nhà lãnh đạo đã thảo luận rất nghiêm túc về nghèo đói và sự phát triển. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có một số lo ngại về đường hướng mà họ đang thực thi, bởi vì có rất nhiều những cam kết, song không có một kế hoạch hành động cụ thể và cũng không có vị trí cho tổ chức xã hội dân sự”.
Tuy còn có những đánh giá khác nhau về sự thành công của Hội nghị G20 Seoul, song điều được dư luận trông chờ nhất là các nhà lãnh đạo G20, 20 nền kinh tế hàng đầu của thế giới không để những cam kết của họ trở thành “hứa hão” và thế giới tránh được một cuộc suy thoái kinh tế sâu như ba năm vừa qua./.
PVH Tổng hợp báo chí

PS: Hiện nay tình hình bán đảo Triều Tiên rất căng thẳng. Người post bài này có mục đích hoan ghi nhận hảo ý của các siêu cường kinh tế về phục hồi kinh tế toàn cầu, tuy nhiên việc duy trì hòa bình và ổn định an ninh khu vực Á châu và toàn cầu cũng rất quan trọng, là tiền đề để việc phục hồi kinh tế có ý nghĩa thực sự. Hy vọng, tình hình Triều Tiên sẽ không dẫn tới một cuộc xung đột khu vực mới.
P.V.H

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC GIỮA CESR & TỦ SÁCH GIẢI TRÍ GIÁO DỤC

CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC GIỮA QUỸ KHUYẾN KHÍCH TỰ LẬP (QKKTL) & TỦ SÁCH GIẢI TRÍ GIÁO DỤC (TSGTGD) THỰC HIỆN CẤP ĐẶT 100 TỦ SÁCH MIỄN PHÍ CHO THANH THIẾU NHI VÀ NGƯỜI DÂN Ở ĐỊA BÀN CÁC VÙNG NÔNG THÔN.
(Bài viết được đăng trên website nguồn của TS GTGD năm 2007)

Quỹ Khuyến Khí­ch Tự Lậ­p của gia đình ông Phùng Liên Đoàn sáng lậ­p, có trụ sở tại Las Vegas - Hoa Kỳ; đã hợp tác với Chương Trình Tủ Sách Giáo Dục của nhóm Thiện Nguyện cựu học sinh Quốc Học 1961-1964 và báo Khoa Học Phổ Thông tại Việt Nam. Sự hợp tác này nằm trong kế hoạch phát triển 100 tủ sách trong năm 2007 và đưa sách đến với thiếu nhi trong các cộng đồng đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa thị tứ.
Bà Đoàn Thu Lê được sự ủy nhiệm của HĐQT của QKKTL đã trực tiếp liên lạc với BS Hồ Đắc Duy phụ trách TSGTGD về kế hoạch năm 2007 và đã quyết định đóng góp 50% chi phí­ cho chương trình trong năm 2007. Như vậ­y, QKKTL sẽ tài trợ 50 tủ sách và TSGTGD tài trợ 50 tủ sách. Một tủ sách có gía trị là 100 USD. QKKTL đóng góp tổng giá trị là 5000 USD trong lần hợp tác này. Các tủ sách sẽ được cấp phát miễn phí­ trực tiếp đến các cộng đồng vùng sâu vùng xa, giúp thanh thiếu nhi địa phương có điều kiện tiếp cận đọc sách.
Số tiền đóng góp của QKKTL đă được gởi tới BS Hồ Đắc Duy ngày 29 tháng 3 năm 2007.
Sự hợp tác rất đáng khí­ch lệ này sẽ được loan báo trên trang web của chương trình TSGTGD
http://www.xanga.com/tusachgiaitrigiaoduc
Thông tin về QUỸ KHUYẾN KHÍCH TỰ LẬP (QKKTL)
Webiste: http://www.fesr.org/
QKKTL là một tổ chức từ thiện, phi chí­nh phủ do một gia đình Việt kiều - ông bà Phùng Liên Đoàn sáng lập từ năm 1997, có trụ sở chính tại Las Vegas, Nevada, Hoa Kỳ. Tổ chức hoạt động nhằm mục tiêu giúp đỡ đồng bào Việt Nam, tổ chức con được đặt trụ sở tại thành phố Huế.
Với số tiền của Quỹ có hạn, công tác giúp người nghèo tại Thừa Thiên – Huế, hướng phần lớn cho người nghèo có tinh thần tự lập vậ­y một số tiền nhỏ không cần thế chấp và với lãi suất thấp để thực hiện việc sản xuất hoặc buôn bán nuôi sống gia đình. Ngoài ra, QKKTL cũng có các chương trình phát học bổng và áo quần lạnh cho trẻ em nghèo, xây trường mẫu giáo và khuyến khí­ch địa phương bảo trợ các trường đó như là tài sản riêng của địa phương . QKKTL cũng có các chương trình cộng tác với các hội từ thiện khác như hội Đông Tây Hội Ngộ (East Meets West Foundation) hội Phòng Đọc Sách (Room to Read) hội Trợ Giúp Xã Hội Việt Nam (Social Assistance Program-Vietnam) hội Người Mỹ Giúp Người Việt Nam (Americans Helping Asians) hội Văn Hóa Khoa Học (Science and Culture Association), hội Gìn Giữ Chữ Nôm (Nom Preservation Foundation) và Viện Văn Hóa Giáo Dục Việt Nam (Institute for Vietnamese Culture and Education.)
Từ 1999 khi có nạn lụt thế kỷ ở Huế cho đến nay, QKKTL đă thực hiện được một số khá nhiều công tác cứu trợ xã hội, văn hóa, giáo duc, y tế … với số tiền lên đến hơn một triệu Mỹ Kim cho vùng Thừa Thiên – Huế và một số địa phương ở khu vực miền Trung. Trong dịp viếng thăm Hoa Kỳ vào cuối năm 2006, BS Hồ Đắc Duy, đại diện Chương TrìnhTủ Sách Giải Trí­ Giáo Dục đã tiếp xúc với ông bà Phùng Liên Đoàn và đã đạt được một thỏa thuậ­n hợp tác giữa 2 bên trong việc phát triển, tăng cường hiệu quả nâng tri thức cho thanh thiếu nhi và các cộng đồng đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa thị tứ. Hiện TSGTGD và QKKTL đang khảo cứu việc cộng tác với hội Sống Khỏe của các bác sĩ và dược sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ và Canada để xuất bản 2 quyển sách Nuôi Dưỡng Con Trẻ và Tuổi Trẻ và Tình Dục với mục đích giáo dục phổ thông
P.V.H

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

TUYÊN BỐ CỦA THÀNH PHỐ GANGNAM

Tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 của Liên minh các thành phố lành mạnh, được tổ chức vào ngày 26 – 29 tháng 10 năm 2010 tại Gangnam, Seoul, Hàn Quốc, các thành viên của Liên minh các thành phố lành mạnh đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và những quan điểm về chiến lược phát triển “các thành phố lành mạnh ở khắp mọi nơi” và tuyên bố những vấn đề sau đây:
Thành phố lành mạnh "không có nghĩa chỉ là ứng dụng y tế điện tử mà là những thành tựu đạt được cao nhất về khả năng tiếp cận thông tin y tế, các hoạt động và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản cho mọi công dân. Chúng tôi xin đề xuất công nghệ thông tin và truyền thông như là một giải pháp để giải quyết vấn đề sức khỏe truyền thống trong xã hội chúng ta bằng cách:
- Cung cấp thông tin phổ biến trên các yếu tố xã hội về sức khỏe để cho các công dân có thể giành quyền kiểm soát và nâng cao năng lực đối với sức khỏe.
- Cải thiện tiếp cận với môi trường hỗ trợ và thông tin về sức khỏe để giảm thiểu việc phân chia và bất bình đẳng về y tế.
- Nâng cao chất lượng và tiếp cận các dịch vụ y tế, đặc biệt dịch vụ y tế dự phòng cho các nhóm người dễ bị tổn thương và các người già.
- Thiết lập một hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý dữ liệu y tế bao gồm cả dữ liệu phản ánh các yếu tố của sức khỏe, và hệ thống y tế khẩn cấp hiệu quả.
- Sử dụng cơ cấu chung của các thành phố lành mạnh để chuẩn bị cho các thành phố phải đối mặt với những thách thức của cuộc khủng hoảng y tế đang diễn ra nổi bật.
- Cùng chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng phong trào các thành phố lành mạnh.
Chúng tôi, lãnh đạo của các thành phố, thị trấn, các cộng đồng, các thành phần tư nhân, các tổ chức phi chính chủ, các viện đại học tái khẳng định cam kết của chúng tôi hướng tới xây dựng các thành phố lành mạnh và làm việc với các đối tác, cam kết những điều sau đây:
1. Mở rộng việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông và phát triển xã hội, môi trường, các chương trình kinh tế, và cơ sở hạ tầng địa phương để xây dựng các thành phố lành mạnh hơn.
2. Phát triển công nghệ y tế hiệu quả và hợp lý để giảm thiểu sự bất bình đẳng y tế.3. Khuyến khích học tập lẫn nhau bằng cách trao đổi kinh nghiệm trong việc tạo ra các thành phố lành mạnh ở khắp mọi nơi.
4. Hỗ trợ các kết quả của các thành phố lành mạnh để góp phần đạt được các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.
5. Đẩy mạnh các biện pháp vận chuyển môi trường bền vững và các lựa chọn để giảm thiểu ô nhiễm và các tác động sức khỏe chung.
6. Đánh giá toàn diện của các chương trình của các thành phố lành mạnh bằng cách sử dụng cơ cấu SPIRIT.

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

Đằng sau những thân phận dễ tổn thương


Ai, cái gì đằng sau những phần nổi, phần chìm của những nỗi đau khổ mà người nghèo, người yếu thế đang phải chịu đựng chắc hẳn là những câu chuyện dài còn chưa được nói tới.
Câu chuyện em bé bị bỏng
Tại một xã vùng sâu vùng xa của miền núi có số lượng đáng kể người địa phương thuộc dân tộc S’tiêng, một gia đình người dân tộc ở khá sâu trong rừng có đứa con nhỏ chín tháng tuổi bị bỏng do người mẹ bất cẩn để đổ cháo nóng vào chân bé.
Gia đình vẫn để bé ở nhà mà không đưa đi cơ sở y tế hay bệnh viện nên vết thương ngày càng trầm trọng, nhiễm trùng rồi hoại tử đến mức nhìn thấy cả xương. Từ một đứa bé khỏe mạnh, bụ bẫm, bé trở nên gầy gò suy kiệt vì đau đớn và biến chứng nhiễm trùng, đã cận kề cái chết.
Đó là câu chuyện không quá hiếm hoi về người nghèo, người dân tộc thiểu số, và nhiều đối tượng dễ tổn thương khác. Người ta có thể chạnh lòng khi nghe câu chuyện, rồi kết luận rằng chắc hẳn vì quá lạc hậu và thiếu hiểu biết nên đã không chữa trị kịp thời mới dẫn đến tình trạng đó. Nhưng tại sao lại thiếu hiểu biết và tại sao không đưa em đi bệnh viện? Tôi đã hỏi họ và đó là cả một câu chuyện dài.
Họ nói rằng không đi vì ở quá xa trạm y tế và bệnh viện, và họ không có xe máy. Thế còn xe ôm? Họ nói họ nghèo mà tiền xe ôm rất đắt, và sợ rằng bệnh viện thì còn tốn kém hơn nữa.
Tôi hỏi họ có biết chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi là miễn phí, và Nhà nước có chính sách ưu tiên về y tế cho người dân tộc không? Câu trả lời là không biết gì về những chính sách đó, không ai nói cho họ biết cả. Chỉ biết đối với họ, bệnh viện rất mắc tiền, trong khi họ không rành tiếng Kinh, không biết chữ nên tới đó không hiểu gì và thường bị các y tá, bác sĩ la mắng quát nạt, vì vậy họ không đi bệnh viện nữa.
Vì sao họ không rành tiếng Kinh, không đi học? Vì trường ở xa, vì nghèo không có tiền mua sách vở, áo quần và đóng học phí, vì nếu đi học mà không đi làm mướn hay săn thú thì có thể đói mà chết. Không học thì không thể chết ngay được, nhưng họ sẽ chết vào những lúc khác, mà có thể chính họ cũng không biết.
Và vì sao họ ở xa như vậy, đến nỗi thông tin không biết, và trường học, bệnh viện là chuyện quá xa vời? Trước đất rừng kéo dài đến tận đường lớn và họ sống với rừng từ bao đời. Nhưng rừng càng ngày càng lùi xa vì đất rừng được quy hoạch thành lâm trường, trang trại trồng cao su, cà phê, điều… Họ không có tiền để sở hữu đất này, nên chỉ làm thuê làm mướn cho những trang trại đó và sống nhờ vào khoảng rừng ít ỏi còn lại, săn thú rừng, đào măng, lượm củi. Trang trại ngày càng mở rộng thì họ càng lùi vào sâu hơn, xa khỏi các trung tâm thị tứ hơn. Nếu họ không phải lùi vào xa như thế họ sẽ không phải kém hiểu biết và chết vì không tiếp cận được với giáo dục và y tế.
So sánh nào cũng khập khiễng, nhưng bản thân tôi không ít lần vào bệnh viện hoặc có người nhà đi bệnh viện và bị đối xử thiếu thân thiện. Nhưng tôi có hiểu biết nên không bỏ cuộc vì thái độ khiếm nhã, tôi có thể nói năng mạch lạc và biết tìm chỗ khiếu nại nếu bị đối xử quá đáng, hoặc đưa “phong bì” để được phục vụ tử tế hơn, hoặc đơn giản là gọi điện thoại cho một người bạn nào đó trong ngành y tế để được “gửi gắm”.
Tôi còn có những lựa chọn khác như đi bệnh viện tư, khám ngoài giờ. Tôi không thể chết vì tôi có những mối quan hệ xã hội từ vị trí của mình và vì tôi không quá nghèo như những người dân tộc kia. Nhưng họ thì không có nhiều điều kiện và nhiều lựa chọn như thế để sống còn. Do đó, những kết cục bi thảm đã đến với họ dễ dàng và hiển nhiên như vậy.
Ai giết chết em bé ấy? Không ai cả. Nhưng dường như là tất cả đã cùng giết em: nghèo đói, thiếu tiếp cận với giáo dục, y tế, sự thiếu thân thiện của trường học, sự phân biệt đối xử và thái độ của cán bộ ngành y tế, sự thiếu quan tâm của chính quyền, việc quy hoạch và phát triển không nhắm đến tạo điều kiện sinh sống cho những người dân bản địa làm cho nghèo đói và sự tổn thương trở nên sâu sắc hơn…
Tất cả là câu chuyện dài đằng sau vết bỏng và cái chết của em bé. Em chính là nạn nhân của cả một cơ cấu phát triển đã đẩy những nhóm, tầng lớp thiệt thòi và yếu thế ra ngoài lề; cũng như là nạn nhân của hệ thống an sinh xã hội vốn đã có nhiều lỗ hổng lại yếu kém trong thực thi.
Những đứa bé có hoàn cảnh tương tự, có thể gặp phải kết cục tương tự như em không? Rất có thể. Bởi vì những gì giết chết em không tình cờ, không từ một người, một sự việc riêng lẻ. Các nhà khoa học xã hội gọi hiện tượng đó là “bạo lực có hệ thống”.
“Bạo lực có hệ thống” là gì?
Bạo lực có hệ thống, từ tiếng Anh là “structural violence”, là thuật ngữ xã hội được sử dụng lần đầu tiên từ những năm 1960, sau này được các nhà nhân chủng học như Paul Farmer, Philippe Bourgois… phát triển, dùng để phân tích và mô tả hiện tượng những con người dưới đáy xã hội do địa vị, do tình trạng kinh tế, sắc tộc, giới tính, hay tuổi tác…, trở nên dễ tổn thương và phải chịu đựng những bi kịch thảm thương về tinh thần và thể xác, sức khỏe và cả chết chóc. Bi kịch của họ không chỉ từ một cá nhân riêng lẻ nào đó gây ra, mà từ nhiều nhân tố khác nhau, có cơ cấu liên quan chặt chẽ với nhau một cách hệ thống.
Tình trạng bạo lực có hệ thống đó có thể gây ra những đau khổ chất chồng, chất lượng sống tồi tệ và cả cái chết của nhiều người, nhưng thường âm thầm và vô hình, và ít hiện diện trong những báo cáo, nghiên cứu kinh tế và xã hội do không thể định lượng bằng số liệu thống kê. Những bạo lực hệ thống liên quan đến giới, tình dục, pháp chế… lại càng sâu xa nhạy cảm, phức tạp, khó nhìn thấy, khó “gọi mặt đặt tên”, và vì thế, sự chịu đựng và đau khổ của nạn nhân càng trầm trọng và tuyệt vọng hơn.
Ví dụ những câu chuyện khá phổ biến mà báo chí đang đưa tin về vụ án chó cắn chết người ở một trang trại, chuyện hiệu trưởng mua dâm học sinh và ép các em phải bán dâm cho những người khác, chuyện xâm hại tình dục nơi công sở và sau đó người bị hại còn bị vu khống... Nhưng đó vẫn chỉ là phần nổi nhỏ của tảng băng chìm chứa đựng vô số những chịu đựng và thiệt thòi của những người yếu thế trong xã hội.
Nếu những bạo lực đơn thuần từ một cá nhân riêng lẻ có thể được giải quyết và ngăn ngừa bằng các công cụ pháp luật, thì bạo lực có hệ thống không dễ dàng như thế, do nguyên nhân thường phức tạp từ những vấn đề kinh tế xã hội mang tính nhân-quả, kể cả những câu chuyện bức xúc đang được công luận soi xét. Thậm chí khi bị đưa ra công luận, bị dư luận xã hội phẫn nộ lên án, một số người trong hệ thống đôi khi còn quyết liệt tự vệ và chứng tỏ sức mạnh của nó bằng cách đổ lỗi cho những người yếu thế, và làm cho tình trạng của nạn nhân trở nên thê thảm hơn.
Ai, cái gì đằng sau những phần nổi, phần chìm của những nỗi đau khổ mà người nghèo, người yếu thế đang phải chịu đựng chắc hẳn là những câu chuyện dài còn chưa được nói tới. Cũng như chuyện một y tá có nguy cơ bị lạm dụng tình dục vì bị dọa làm khó dễ nơi công sở và nếu tuân phục sẽ được ưu ái hơn. Hay chuyện các em học sinh bị ép phải bán dâm chỉ vì sợ bị hạ hạnh kiểm thật đáng kinh ngạc nhưng nó vẫn xảy ra. Những lời đe dọa đó sẽ không làm nên chuyện nếu đằng sau đó không có cả một chuỗi nhân-quả chằng chịt. Hệ thống đó không cho phép họ có chọn lựa khác, cũng như em bé S’tiêng phải đau đớn chờ chết chỉ vì một vết bỏng cháo.
Hãy nhớ em bé đó là đối tượng ưu tiên của xã hội ta về y tế và nhiều mặt. Hãy nhớ là chúng ta đã tham gia Công ước quốc tế và Quyền trẻ em cũng như có vô số cơ quan, luật lệ và chính sách hỗ trợ và bảo vệ trẻ em, phụ nữ, người nghèo, người dân tộc. Vậy hãy xem lại luật pháp và cơ chế thực thi những vấn đề đó đến đâu. Phía sau những câu chuyện vô hình hay hữu hình của bạo lực có hệ thống là những câu chuyện dài khác của một cơ chế xã hội dường như còn bỏ quên người nghèo, cùng thân phận quá dễ tổn thương của họ.

(*) Thạc sĩ phát triển quốc tế và thay đổi xã hội, IFP Alumna
By Tran Thi Thanh Huong - The Sai Gon Times Daily

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

BA MẶT CỦA NGHÈO ĐÓI

Kể từ năm 2000, Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (UNESCAP) đã đưa ra ba khái niệm liên quan chặt chẽ với nhau để mô tả nghèo đói, đó là nghèo thu nhập (poverty of income), nghèo tiếp cận (poverty of access), và nghèo sức mạnh (poverty of power).
Nghèo thu nhập
Thu nhập hay mức tiêu dùng bình quân vẫn được đo lường, thông qua các con số và tỷ lệ, mức chuẩn nghèo quốc gia và quốc tế, hệ số Gini... để đánh giá nghèo đói, cách biệt giàu nghèo, bất bình đẳng và mức độ thoát nghèo của một quốc gia.
Tuy nhiên, dù phải dùng những con số để dễ đo lường và định lượng, cũng không thể mô tả hết hình thù nghèo đói cũng như đánh giá mức độ và khả năng thoát nghèo. Thậm chí những con số thống kê còn có thể làm hạn chế hiểu biết về tình trạng nghèo đói thực sự.
Chính vì chỉ nhìn vào các con số, Việt Nam vẫn rất lạc quan với tốc độ giảm tỷ lệ đói nghèo ngoạn mục trong khoảng gần 20 năm qua, trong khi các chuyên gia trong nước và quốc tế vẫn liên tục cảnh báo là thực tế nghèo đói vẫn đang diễn biến ngày một phức tạp và sâu sắc hơn, cũng như kết quả thoát nghèo là rất mong manh và không bền vững.
Anh T. ở xã Thành Thới B, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, là lao động chính trong gia đình có hai con nhỏ và một mẹ già, trông chờ vào ba công đất của gia đình. Trước anh trồng mía, nuôi heo cũng đủ sống và còn dư chút đỉnh. Từ năm 2003, giá mía rớt chỉ còn 1.200 đồng/ki lô gam và giá heo hơi chỉ còn 15.000 đồng/ki lô gam nên anh lỗ liên tục.
Thấy người ta trồng lác (cói) có lãi, anh vay nóng 2 triệu đồng chuyển sang trồng lác nhưng khi thu hoạch thì giá chỉ còn 700 đồng/ki lô gam. Thua lỗ liên tục, nợ nần chồng chất, anh phải bán bớt một công ruộng để trả nợ, và các con của anh phải nghỉ học kiếm sống.
Có thể thấy mức thu nhập chỉ là một dấu hiệu của nghèo hay thoát nghèo, nhưng đã không mô tả được nguyên nhân và tình trạng dễ tổn thương, bấp bênh giữa ranh giới nghèo đói và thoát nghèo. Quan trọng hơn thu nhập, cái họ thiếu (hay nghèo) nhất là nguồn tích lũy an toàn cho cuộc sống, thông tin và định hướng về thị trường và những phương cách sản xuất nông sản phù hợp từng thời điểm, nguồn vốn vay an toàn (để không phải vay nóng)... Những yếu tố này không phải là không có, nhưng người nghèo đã không thể tiếp cận được. Chính vì vậy, nghèo đói về thu nhập liên quan rất chặt chẽ đến tình trạng nghèo tiếp cận trong xã hội.
Nghèo tiếp cận
Nghèo tiếp cận đã làm vững chắc hơn nữa cái nghèo thu nhập và vòng luẩn quẩn đói nghèo. Người nghèo không tiếp cận được với rất nhiều dịch vụ và cơ sở hạ tầng cơ bản, từ giao thông (như hình ảnh các em học sinh ở Kontum đu dây cáp đến trường), giáo dục, nguồn vốn, nước sạch, nhà ở, an sinh xã hội, thông tin và chính sách.
Chỉ cần bị nợ nần, họ đã không thể lọt vào danh sách đạt tiêu chuẩn cho vay ưu đãi của địa phương và chỉ còn cách vay nóng ngoài chợ. Chỉ cần một vụ thu hoạch thua lỗ, con cái họ đã không thể tiếp cận được với giáo dục.
Thiếu tiếp cận những dịch vụ và hạ tầng cơ bản nhất, người nghèo càng dễ bị bệnh tật, và chính họ lại phải chi trả nhiều hơn cho chi phí khám chữa bệnh do thiếu những chế độ bảo hiểm, an sinh. Chỉ cần bị bệnh nhẹ phải mua thuốc, cuộc sống của họ lập tức bấp bênh thiếu hụt. Bệnh nặng, nhiều gia đình trở thành khánh kiệt phải bán hết tài sản đất đai chữa bệnh, hoặc chọn lựa không chữa trị vì quá tốn kém. Trẻ em thường phải nghỉ học, lao động sớm và chấp nhận một cuộc sống dễ tổn thương như những em bé phải mưu sinh nặng nhọc và bị bạo hành dã man thời gian gần đây.
Thiếu tiếp cận với thông tin và chính sách làm cho người nghèo trở thành nạn nhân của rất nhiều nhân tố: vay nặng lãi, mua vật tư chất lượng kém, nông sản/sản phẩm bị ép giá, thiếu hiểu biết về thị trường và công nghệ mới, không nắm vững chính sách và định hướng phát triển để có thể có những ứng xử thích hợp và nhạy bén hơn, như trường hợp anh T. ở Đồng Tháp.
Ngay cả những chương trình cho chính người nghèo, họ cũng không nắm rõ. Trong một cuộc điều tra hộ gia đình, phần lớn người nghèo nói họ không hề biết các tiêu chí để chọn hộ nghèo và thoát nghèo, không hiểu tại sao mình “có sổ” rồi lại “mất sổ” (hộ nghèo). Được hỏi lý do thoát nghèo, một gia đình nói: “Tui cũng không biết tại sao, thấy trên xã tới mượn lại cuốn sổ làm gì đó, rồi không trả nữa, bây giờ mới biết là tui không còn trong danh sách hộ nghèo”.
Tất cả các chương trình xóa đói giảm nghèo của các cơ quan chính phủ và phi chính phủ đều có khẩu hiệu nôm na là: giúp người nghèo tự giúp chính họ. Trong khi đó, người nghèo sống trong tình trạng mù thông tin và không tiếp cận với nhiều phương tiện, dịch vụ cơ bản và chính sách, làm cách nào mà họ có thể đủ sức giúp chính họ?
Nghèo sức mạnh
Cho dù có thể tiếp cận được, thì những chính sách và thông tin này có thực sự giúp được những người nghèo không? Câu trả lời là “có” chỉ khi nó đáp ứng được nhu cầu và bắt nguồn từ thực tế của họ. Điều đó liên quan đến việc người nghèo có được tạo điều kiện, và có đủ năng lực, sức mạnh để có ý kiến tham gia vào quá trình xây dựng chính sách và những quyết định liên quan đến chính họ hay không.
Chính vì vậy, khi nói về các hoạt động phát triển xã hội, xóa đói giảm nghèo, người ta thường nhắc đến từ “empower” mà rất nhiều người lúng túng khi dùng từ này trong tiếng Việt, lúc thì gọi là “nâng cao năng lực”, lúc là “trao quyền”, lúc lại là “tăng sức mạnh”. Điều khó khăn nhất khi diễn đạt khái niệm này, là nó không chỉ liên quan đến những năng lực, quyền,... cụ thể nào đó, mà còn liên quan đến sức mạnh nội tại của mỗi con người. Có được sức mạnh đó, người nghèo mới có thể thực hiện được điều “tự giúp chính mình” và thoát nghèo bền vững.
Người nghèo không chỉ nghèo thu nhập và nghèo tiếp cận, họ còn đang rất nghèo sức mạnh. Họ chưa đủ sức lên tiếng chất vấn về những lý do mình “có sổ” hay “mất sổ” hộ nghèo, chưa biết tìm chỗ để hỏi, tôi nên trồng gì, nuôi gì để không bị thua lỗ nữa, người dân ở khu quy hoạch vẫn chưa đủ sức đối thoại với nhà đầu tư và Nhà nước về quyền lợi và phương kế mưu sinh bền vững mà các dự án có thể đem lại cho họ...
Có lần nhìn thấy một nhóm thợ đang xây một bể chứa và đài nước cho một chương trình hỗ trợ cho khu dân cư khó khăn, tôi hỏi một người tại sao lại xây ẩu như vậy. Anh ta thản nhiên trả lời: “Cái này là tiền nhà nước mà”. Tôi nói: “Nhưng bể nước này để cho bà con mình xài, nếu con anh đi học trong một ngôi trường cũng được xây ẩu vì là tiền nhà nước, anh nghĩ sao?”. Lúc này anh ta mới trả lời, tại chủ kêu sao cứ làm vậy thôi. Những người dân đứng quanh đó, những người sẽ thụ hưởng công trình này cũng dửng dưng không có phản ứng gì. Nghèo sức mạnh có thể nhìn thấy rất rõ khi con người không có khả năng hành động, tác động hay ảnh hưởng đến môi trường xã hội xung quanh cho dù nó liên quan đến cuộc sống của chính họ.
Đáng tiếc, không phải chỉ có người nghèo “nghèo sức mạnh”, nhiều bộ phận trong xã hội cũng đang nghèo sức mạnh như vậy.
Bạo lực, tội phạm ngày một gia tăng cũng chính vì người ta không có đủ sức mạnh nội tại để ứng xử một cách thích hợp với con người và cuộc sống xung quanh mình. Không những các em học sinh đánh nhau đang nghèo sức mạnh theo nghĩa này, mà những thanh thiếu niên đang quay phim và đang dửng dưng ngồi xem gần đó cũng rất nghèo.
Giáo viên cũng rất nghèo sức mạnh của sáng tạo và đối thoại khi đặt ra những khuôn mẫu của bài học văn chương mà phủ nhận mọi suy nghĩ trung thực nhưng trái với “đáp án”.
Có nhiều cán bộ địa phương trả lời về việc tại sao không hỏi ý kiến dân về những vấn đề của họ là: “Mình cứ phải quyết định thôi, trình độ họ thấp lắm, có biết gì đâu mà ý kiến ý cò”. Những cán bộ này cũng rất nghèo sức mạnh của cái tâm để lắng nghe thực sự và để tôn trọng phẩm giá người khác.
Doanh nghiệp, cơ quan hay dự án kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, bất kể tàn phá môi trường hay tài nguyên cũng rất nghèo sức mạnh của ý thức và sức nghĩ xa khi chặn đường sống của chính khách hàng của mình, và cả chính con cháu mình.
Một đất nước mà phát triển kinh tế chỉ đem lại thịnh vượng cho một bộ phận người dân nào đó mà không chia sẻ những thành tựu của phát triển cho mọi thành viên của xã hội, đất nước đó không thể gọi là mạnh được. Nghèo đói không chỉ liên quan đến một bộ phận người dân có mức thu nhập hay tiêu dùng dưới một ngưỡng nào đó. Nó liên quan đến mọi mặt của cơ chế, chính sách xã hội, triết lý giáo dục và ứng xử xã hội của các tầng lớp người dân khác nhau. Nếu chỉ chạy theo những dự án vĩ đại mà quên đi cái nghèo mọi mặt đang âm thầm tàn phá cuộc sống của không chỉ người nghèo mà tất cả chúng ta, thì chúng ta cũng đang rất nghèo tầm nhìn vậy.

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

Đồng cảm với dân

Thật đáng buồn là ngày nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ tuy vẫn luôn hô hào những khẩu hiệu cách mạng nhưng tư tưởng và hành động ngày một xa rời dân, xa rời lý tưởng.
Tần suất tin tức về sự vô cảm, tiêu cực ngày càng cao.
Các tỉnh thành đều kêu thiếu nguồn nhân lực có trình độ, nên đã ban hành chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, chi tiền để cử người đi học ở nước ngoài và kêu gọi họ tốt nghiệp trở về phục vụ quê hương. Nhưng mâu thuẫn sao, khi “Bằng cấp cao vẫn lao đao xin việc” (Tuổi trẻ, 13-10-2010) là một thực tế xảy ra ở nhiều nơi. Đáng buồn hơn, khi những người bị làm khó lại chính là những người muốn trở về phục vụ cho quê hương mình. Một chính sách tốt bị biến thành khẩu hiệu sáo rỗng!
Hình ảnh những đứa trẻ huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam hàng ngày phải dắt díu cõng nhau lội qua sông đến trường (Tuổi trẻ, 9-10-2010) đã gây xúc động cho độc giả. Các nhà hảo tâm đánh tiếng sẵn lòng góp sức xây cầu cho các em qua sông tìm chữ. Thế nhưng, thái độ của lãnh đạo huyện Đông Giang lại như ngược chiều với bầu nhiệt huyết của họ (tuanvietnam.net, 16-10-2010). Thật đúng với câu “Dân cần nhưng quan không vội”! Đâu rồi sự cảm thông với nỗi khổ và mối hiểm nguy đang rình rập các em?
Tiêu cực, vô cảm không chỉ giới hạn ở cán bộ cấp thấp. “Cả bí thư lẫn chủ tịch tỉnh đều bị kỷ luật” cũng là chuyện mới xảy ra. Và cũng không phải chỉ có hai cán bộ bị xử lý: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xác định dấu hiệu vi phạm đối với tập thể Thường trực và 3 Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình và có kết luận: “...
Những sai phạm trên gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản, đất đai của Nhà nước; gây dư luận bất bình, mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân” (vietnamnet.vn, 15-10-2010).
Việc xuất hiện liên tục các “hố tử thần” trên đường phố TPHCM và Đà Lạt, dù người ta có cố biện minh thế nào, thì vẫn lộ rõ lỗ hổng trách nhiệm, cả trước và sau khi sự cố xảy ra, của những người có trách nhiệm đối với sự an toàn và cả sinh mạng của người dân.
Nỗi khổ của nhân dân
Còn nhớ những thông tin từ chuyện tiếp dân của các đoàn kiểm tra việc thực hiện Luật Đất đai trước đây cho thấy nông dân, tầng lớp chịu nhiều hy sinh nhất, có đóng góp nhiều nhất trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và cả trong xây dựng đất nước, lại là những người bị thiệt thòi nhiều nhất, do sự vô cảm đáng kinh ngạc của một số quan chức nhân danh sự phát triển kinh tế của địa phương.
Khi vội vàng giải tỏa để có đất cho các dự án, quyền lợi và cuộc sống của người dân, phần lớn là nông dân nghèo, đã không được giải quyết thỏa đáng. Khoản tiền đền bù chẳng đáng là bao so với khoản lợi nhuận khổng lồ mà nhà đầu tư có thể thu được từ mảnh đất của người nông dân.
Nhiều nơi đã không quan tâm đúng mức đến số người mất nhà, mất đất đó có thể đi đâu, ở đâu, làm sao để có thể tiếp tục sinh sống. Không ít dự án giải tỏa xong những diện tích rộng lớn rồi nhiều năm sau đó lại bỏ hoang trong khi người dân không có đất canh tác. Tình trạng quy hoạch như vậy xảy ra ở nhiều nơi, đẩy hàng trăm, hàng ngàn gia đình vào cảnh khó khăn. Trong khi đó, những người ban hành các quyết định quy hoạch đó vẫn ung dung tại vị và dửng dưng trước nỗi khổ của dân.
Có những dự án được dư luận cảnh báo sẽ gây ra ô nhiễm môi trường mà tác hại của nó sẽ lớn hơn rất nhiều so với lợi nhuận thu được theo dự kiến, nhưng vẫn được duyệt cho triển khai. Không ít khu công nghiệp, nhà máy cứ ngang nhiên xả chất thải, gây ô nhiễm nguồn nước, đất đai, không khí từ năm này qua năm khác, mà chính quyền địa phương chẳng mấy để tâm đến đơn thư khiếu nại của những nạn nhân khốn khổ trong vùng.
Điển hình là trường hợp kéo dài hàng chục năm mới được để tâm đến như vụ Vedan, nhưng không phải là duy nhất. Thái độ dửng dưng đó có thể xuất phát từ những động cơ khác nhau, nhưng chắc chắn không phải vì lợi ích của dân.
Mặc dù cải cách hành chính đã trải qua nhiều năm, nhưng sự nhũng nhiễu dân vẫn xảy ra khá phổ biến. Các doanh nghiệp vẫn than phiền hết năm này đến năm khác, từ chuyện nhỏ như thủ tục đăng ký mua sổ hóa đơn đỏ, đến thủ tục thông quan hàng xuất nhập khẩu, hoàn thuế giá trị gia tăng cho đến thủ tục nộp thuế... Thế nhưng đã có bao nhiêu người có trách nhiệm quyết tâm ngăn chặn tệ nạn đó?
Những khối tuyết đã lăn quá lâu!
Kết quả ban đầu của khảo sát trực tuyến về cải cách hành chính do UNDP phối hợp với VietNamNet thực hiện cho thấy, gần 70% người dân khi được hỏi trả lời rằng họ phải đưa thêm tiền mới giải quyết được công việc liên quan đến thủ tục hành chính (“Cứ “lót tay” việc mới “chạy””, vietnamnet.vn, 14-10-2010). Nếu kết quả điều tra này là xác thực, đó thực sự là một quốc nạn. Vì vậy, liệu có nên cứ tiếp tục tự ru ngủ mình bằng điệp khúc: “Hiện tượng tiêu cực chỉ là cá biệt, những cán bộ mất phẩm chất chỉ là số ít”, “Lòng tin của dân ngày một nâng cao”...?
Trên lý thuyết, Nhà nước ta là “của dân, do dân, vì dân” và công chức, dù ở bất cứ cấp bậc nào cũng đều là “công bộc của dân”. Thế nhưng trên thực tế vấn nạn nhũng nhiễu, tham nhũng, hối lộ vẫn tràn lan. Năm 2009, Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp Việt Nam đứng thứ 120 trong bảng Chỉ số Cảm nhận tham nhũng, thấp hơn nhiều so với hầu hết các nước Đông Á, trong khi Trung Quốc đứng thứ 79 và Thái Lan là 84.
Vì sao qua bao năm kêu gọi chống tiêu cực với không ít nghị quyết mà vấn nạn này vẫn ngày càng lan rộng? Để giải quyết vấn đề bức thiết này phải xác định đúng nguyên nhân sâu xa, không phải chỉ ở bản thân những người tiêu cực mà cả ở cơ chế nào đã tạo điều kiện sản sinh ra tình trạng đó, tư duy nào đã tạo ra cơ chế đó. Nếu không giải quyết được vấn nạn này thì hiểm họa do nó gây ra trong xã hội ngày càng lớn. Người ta thường ví cái xấu như khối tuyết lăn từ trên núi cao, càng lăn khối tuyết sẽ càng lớn và tác hại nó gây ra cũng khó lường hết được. Các đợt sinh hoạt chính trị có thể nâng cao trình độ lý luận của cán bộ, nhưng điều đó chỉ có tác dụng khi nó thực sự chuyển thành sự giác ngộ về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với dân, với nước.
Theo báo SaiGonTimes

Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2010

Tiếng ồn

Càng đô thị hóa, con người sẽ phải chịu nhiều tiếng ồn hơn.
Sáng nay chở con đến trường, đang dừng trước vạch đèn đỏ bổng nghe một loạt tiếng còi xe từ sau lưng báo đèn đã chuyển sang xanh- có thể đi được. Hơi khó chịu vì cả một khối đông người sáng sớm như vậy, làm sao cơ thể nhanh hơn được.
Đi xe máy ra đường quốc lộ, giật mình - có thể dẫn tới va quệt gây tai nạn khi nghe tiếng còi hơi. Chậm chút xíu bác tài ơi, phía trước là công trình, bác đâu có thể dùng còi hơi mà bươn nhanh lên được.
Đang uống cà phê vệ đường, bổng nghe tiếng ồn ào cãi nhau của hai người buôn chai bao; bình tĩnh đi hai chị ơi đâu có phải vì ồn ào gây huyên náo khu phô mà thu nhập của các chị ngày hôm nay cao hơn!
Định đi ngũ sớm hơn mọi khi, nhưng vừa hiu hiu thì bị tiếng Karaoke của nhà hàng xóm len lõi vào tai. Đêm hạ nóng ran mà bài" Người tình mùa đông" không làm sao cho bớt nhiệt được. Tiếng ồn càng làm cho thân người "nóng" thêm.
Thế mới thấy sự yên tĩnh đô thị quí giá biết chừng nào. Lại càng quí hơn nữa, nếu trong sự nào nhiệt của đường phố, xã hội, ta giữ được sự thanh thản và yên tĩnh của tâm hồn.


Phan Văn Hải

Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ CỦA AFHC CHO NHỮNG TỔ CHỨC PHI LỢI NHUẬN/ NHỮNG HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN


Ngày 18 tháng 10 năm 2010
Văn bản số: J.C.22-22
Kính gửi: Trung tâm khuyến khích tự lập
Thông báo Quyết định cuối cùng về việc cấp tiền
Chúng tôi đã xem xét báo cáo hoạt động của bạn và các tài liệu liên quan đề ngày 23 tháng Bảy năm 2010. Chúng tôi quyết định cấp cho bạn với số tiền như đã nêu dưới đây.
Số tiền: 64.000 Yên Nhật ( tương đương: 750 đô la Mỹ)
* 1 Đô la = 85 Yên Nhật(Theo tỷ giá hối đoái đầu tháng 10 năm 2010)
* Xin lưu ý rằng tiền tài trợ sẽ có thay đổi dựa trên tỷ giá của ngày chuyển tiền.
Hideyuki Harada
Thị trưởng thành phố Fukuroi, Nhật BảnTrưởng bộ phận tại Nhật Bản của Liên minh các thành phố lành mạnh
Mẫu 7
Giấy chứng nhận này sẽ được giao cho đại diện thành phố Huế từ phía Nhật Bản
Lễ trao giấy chứng nhận được tổ chức long trọng như sau:
Thời gian: 16:00-17:20
Ngày: 28 tháng 10 (Thứ Năm), 2010
Địa điểm: Tại buổi lễ trao chứng nhận hoàn thành các dự án thí điểm về hỗ trợ quốc tế các thành phố lành mạnh AFHC.
Tầng B1, COEX Khách sạn Intercontinental, Gangnam-gu, Seoul
Người dịch: Anh Đào

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

Xót xa khoảng cách giàu nghèo


TBKTSG) - Tôi và người bạn vào uống cà phê ở một quán nổi tiếng tại quận 3, giá mỗi ly cà phê đen không ít hơn 30.000 đồng. Anh kể, anh vừa gặp lại một người bạn cũ, hiện đang làm công nhân ở Đồng Nai. Bạn anh làm tăng ca thường xuyên nhưng lương cũng không quá 3 triệu đồng/tháng nên không bao giờ dám uống ly cà phê giá hơn 4.000 đồng!
Một cô bạn khác thì kể, cô được một chị bạn mời đi ăn tại một khách sạn lớn. Do người bạn vừa trúng đậm một thương vụ nhà đất nên không ngại gì nhưng cô thì thấy giật mình, bởi giá tiền mỗi phần ăn có thể nuôi sống một gia đình trong cả tháng…
Nếu tình cờ đi sang khu Phú Mỹ Hưng, nhiều người ngạc nhiên vì tưởng mình… lạc vào một đất nước khác. Ở đó, bên cạnh sự sạch sẽ, khang trang, hiện đại dĩ nhiên là sự giàu có của các cư dân. Chỉ tính riêng các khoản phí hàng tháng của một gia đình (vệ sinh, an ninh, chiếu sáng…), có thể nhiều hơn tổng thu nhập của một hộ nghèo tại thành phố này trong một tháng (và sẽ gấp nhiều lần thu nhập của một hộ nghèo tại các tỉnh khác). Từ đó có thể thấy chênh lệch mức sống như thế nào và đằng sau đó là chênh lệch về chất lượng sống.
Những chuyện như thế đang diễn ra ở khắp nơi trên đất nước ta với những mức độ khác nhau. Năm 2007, có người đã đặt ra tình huống hai người ăn một con gà nhưng kỳ thực chỉ có một người ăn nguyên con, còn người kia… đứng nhìn.
Sau ba năm, tình hình có thể có khác đi, theo hướng là ba người ăn hai con gà. Tính bình quân thì một người ăn được hơn nửa con nhưng liệu có xảy ra tình huống một người ăn cả hai con, còn hai người kia đứng nhìn, hoặc một người ăn gần hết hai con, một người ăn phần còn lại và vẫn có một người nhịn?
Đó là một thực tế xót xa. Bởi vì, nhìn toàn cảnh, xã hội ngày càng phát triển, đất nước ngày càng giàu mạnh. GDP hàng năm vẫn tăng đều đặn, thu nhập bình quân đầu người vẫn không ngừng tăng trưởng. Đó là xu hướng tích cực mang tính tất yếu. Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo theo đó cũng tăng lên. Điều đáng nói là dường như những người giàu thì ngày càng có xu hướng giàu thêm còn người nghèo tuy không nghèo hơn nhưng rất khó có sự cải thiện lớn về thu nhập do hạn chế về vốn, trình độ văn hóa, tay nghề…
Từ chênh lệch thu nhập sẽ kéo theo chênh lệch về khả năng được đáp ứng yêu cầu về giáo dục, y tế, giải trí… Tức là chất lượng sống của một bộ phận đông đảo người dân vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Điều tiết sự chênh lệch khoảng cách giàu nghèo phải bằng những chính sách mang tầm chiến lược, chứ không thể đơn lẻ ở từng địa phương. Dù vậy, việc thực hiện sự điều tiết này phải do tất cả các ngành, các cấp, các địa phương chứ không chỉ trông mong tất cả vào Chính phủ. Trước hết, phải có một quan điểm nhất quán và xuyên suốt về công bằng xã hội. Công bằng không phải là cào bằng mà phải có sự quan tâm đúng mức, đồng bộ và thỏa đáng đến tất cả các nhóm cư dân. Chẳng hạn, tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp thì cũng phải có biện pháp giúp đỡ nông dân, chăm lo cho các đối tượng thuộc diện chính sách, bảo trợ xã hội…
Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng nâng chất lượng cuộc sống của người dân, xem đó là mục tiêu của việc giảm chênh lệch giàu nghèo, chứ không phải chỉ xét ở vấn đề thu nhập. Các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là về y tế, giáo dục, cần được quan tâm đúng mức. Chẳng hạn, nên triệt để miễn (chứ không chỉ giảm) học phí và các khoản thu khác cho học sinh, sinh viên thuộc diện khó khăn, chính sách. Tương tự, ở lĩnh vực y tế, có thể không thực hiện chính sách đồng chi trả cho đối tượng nghèo và chính sách…
Một chính sách khác cũng cần quan tâm là thuế. Với thuế thu nhập cá nhân, cần xem lại mức khởi điểm tính thuế và các khoản giảm trừ gia cảnh để những người có thu nhập thấp và trung bình không phải đóng thuế. Mặt khác, cần nghiên cứu tăng thuế đối với những người tiêu dùng các hàng hóa, sản phẩm xa xỉ, đắt tiền, đồng thời tính toán việc áp thuế đối với các hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.
Chính sách vĩ mô phải đảm bảo xu hướng là ngày càng có nhiều người được ăn mà phần ăn cũng phải được tăng lên. Xét cho cùng, đó là mục tiêu chung của các nước chứ không riêng gì Việt Nam.