Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

BA MẶT CỦA NGHÈO ĐÓI

Kể từ năm 2000, Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (UNESCAP) đã đưa ra ba khái niệm liên quan chặt chẽ với nhau để mô tả nghèo đói, đó là nghèo thu nhập (poverty of income), nghèo tiếp cận (poverty of access), và nghèo sức mạnh (poverty of power).
Nghèo thu nhập
Thu nhập hay mức tiêu dùng bình quân vẫn được đo lường, thông qua các con số và tỷ lệ, mức chuẩn nghèo quốc gia và quốc tế, hệ số Gini... để đánh giá nghèo đói, cách biệt giàu nghèo, bất bình đẳng và mức độ thoát nghèo của một quốc gia.
Tuy nhiên, dù phải dùng những con số để dễ đo lường và định lượng, cũng không thể mô tả hết hình thù nghèo đói cũng như đánh giá mức độ và khả năng thoát nghèo. Thậm chí những con số thống kê còn có thể làm hạn chế hiểu biết về tình trạng nghèo đói thực sự.
Chính vì chỉ nhìn vào các con số, Việt Nam vẫn rất lạc quan với tốc độ giảm tỷ lệ đói nghèo ngoạn mục trong khoảng gần 20 năm qua, trong khi các chuyên gia trong nước và quốc tế vẫn liên tục cảnh báo là thực tế nghèo đói vẫn đang diễn biến ngày một phức tạp và sâu sắc hơn, cũng như kết quả thoát nghèo là rất mong manh và không bền vững.
Anh T. ở xã Thành Thới B, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, là lao động chính trong gia đình có hai con nhỏ và một mẹ già, trông chờ vào ba công đất của gia đình. Trước anh trồng mía, nuôi heo cũng đủ sống và còn dư chút đỉnh. Từ năm 2003, giá mía rớt chỉ còn 1.200 đồng/ki lô gam và giá heo hơi chỉ còn 15.000 đồng/ki lô gam nên anh lỗ liên tục.
Thấy người ta trồng lác (cói) có lãi, anh vay nóng 2 triệu đồng chuyển sang trồng lác nhưng khi thu hoạch thì giá chỉ còn 700 đồng/ki lô gam. Thua lỗ liên tục, nợ nần chồng chất, anh phải bán bớt một công ruộng để trả nợ, và các con của anh phải nghỉ học kiếm sống.
Có thể thấy mức thu nhập chỉ là một dấu hiệu của nghèo hay thoát nghèo, nhưng đã không mô tả được nguyên nhân và tình trạng dễ tổn thương, bấp bênh giữa ranh giới nghèo đói và thoát nghèo. Quan trọng hơn thu nhập, cái họ thiếu (hay nghèo) nhất là nguồn tích lũy an toàn cho cuộc sống, thông tin và định hướng về thị trường và những phương cách sản xuất nông sản phù hợp từng thời điểm, nguồn vốn vay an toàn (để không phải vay nóng)... Những yếu tố này không phải là không có, nhưng người nghèo đã không thể tiếp cận được. Chính vì vậy, nghèo đói về thu nhập liên quan rất chặt chẽ đến tình trạng nghèo tiếp cận trong xã hội.
Nghèo tiếp cận
Nghèo tiếp cận đã làm vững chắc hơn nữa cái nghèo thu nhập và vòng luẩn quẩn đói nghèo. Người nghèo không tiếp cận được với rất nhiều dịch vụ và cơ sở hạ tầng cơ bản, từ giao thông (như hình ảnh các em học sinh ở Kontum đu dây cáp đến trường), giáo dục, nguồn vốn, nước sạch, nhà ở, an sinh xã hội, thông tin và chính sách.
Chỉ cần bị nợ nần, họ đã không thể lọt vào danh sách đạt tiêu chuẩn cho vay ưu đãi của địa phương và chỉ còn cách vay nóng ngoài chợ. Chỉ cần một vụ thu hoạch thua lỗ, con cái họ đã không thể tiếp cận được với giáo dục.
Thiếu tiếp cận những dịch vụ và hạ tầng cơ bản nhất, người nghèo càng dễ bị bệnh tật, và chính họ lại phải chi trả nhiều hơn cho chi phí khám chữa bệnh do thiếu những chế độ bảo hiểm, an sinh. Chỉ cần bị bệnh nhẹ phải mua thuốc, cuộc sống của họ lập tức bấp bênh thiếu hụt. Bệnh nặng, nhiều gia đình trở thành khánh kiệt phải bán hết tài sản đất đai chữa bệnh, hoặc chọn lựa không chữa trị vì quá tốn kém. Trẻ em thường phải nghỉ học, lao động sớm và chấp nhận một cuộc sống dễ tổn thương như những em bé phải mưu sinh nặng nhọc và bị bạo hành dã man thời gian gần đây.
Thiếu tiếp cận với thông tin và chính sách làm cho người nghèo trở thành nạn nhân của rất nhiều nhân tố: vay nặng lãi, mua vật tư chất lượng kém, nông sản/sản phẩm bị ép giá, thiếu hiểu biết về thị trường và công nghệ mới, không nắm vững chính sách và định hướng phát triển để có thể có những ứng xử thích hợp và nhạy bén hơn, như trường hợp anh T. ở Đồng Tháp.
Ngay cả những chương trình cho chính người nghèo, họ cũng không nắm rõ. Trong một cuộc điều tra hộ gia đình, phần lớn người nghèo nói họ không hề biết các tiêu chí để chọn hộ nghèo và thoát nghèo, không hiểu tại sao mình “có sổ” rồi lại “mất sổ” (hộ nghèo). Được hỏi lý do thoát nghèo, một gia đình nói: “Tui cũng không biết tại sao, thấy trên xã tới mượn lại cuốn sổ làm gì đó, rồi không trả nữa, bây giờ mới biết là tui không còn trong danh sách hộ nghèo”.
Tất cả các chương trình xóa đói giảm nghèo của các cơ quan chính phủ và phi chính phủ đều có khẩu hiệu nôm na là: giúp người nghèo tự giúp chính họ. Trong khi đó, người nghèo sống trong tình trạng mù thông tin và không tiếp cận với nhiều phương tiện, dịch vụ cơ bản và chính sách, làm cách nào mà họ có thể đủ sức giúp chính họ?
Nghèo sức mạnh
Cho dù có thể tiếp cận được, thì những chính sách và thông tin này có thực sự giúp được những người nghèo không? Câu trả lời là “có” chỉ khi nó đáp ứng được nhu cầu và bắt nguồn từ thực tế của họ. Điều đó liên quan đến việc người nghèo có được tạo điều kiện, và có đủ năng lực, sức mạnh để có ý kiến tham gia vào quá trình xây dựng chính sách và những quyết định liên quan đến chính họ hay không.
Chính vì vậy, khi nói về các hoạt động phát triển xã hội, xóa đói giảm nghèo, người ta thường nhắc đến từ “empower” mà rất nhiều người lúng túng khi dùng từ này trong tiếng Việt, lúc thì gọi là “nâng cao năng lực”, lúc là “trao quyền”, lúc lại là “tăng sức mạnh”. Điều khó khăn nhất khi diễn đạt khái niệm này, là nó không chỉ liên quan đến những năng lực, quyền,... cụ thể nào đó, mà còn liên quan đến sức mạnh nội tại của mỗi con người. Có được sức mạnh đó, người nghèo mới có thể thực hiện được điều “tự giúp chính mình” và thoát nghèo bền vững.
Người nghèo không chỉ nghèo thu nhập và nghèo tiếp cận, họ còn đang rất nghèo sức mạnh. Họ chưa đủ sức lên tiếng chất vấn về những lý do mình “có sổ” hay “mất sổ” hộ nghèo, chưa biết tìm chỗ để hỏi, tôi nên trồng gì, nuôi gì để không bị thua lỗ nữa, người dân ở khu quy hoạch vẫn chưa đủ sức đối thoại với nhà đầu tư và Nhà nước về quyền lợi và phương kế mưu sinh bền vững mà các dự án có thể đem lại cho họ...
Có lần nhìn thấy một nhóm thợ đang xây một bể chứa và đài nước cho một chương trình hỗ trợ cho khu dân cư khó khăn, tôi hỏi một người tại sao lại xây ẩu như vậy. Anh ta thản nhiên trả lời: “Cái này là tiền nhà nước mà”. Tôi nói: “Nhưng bể nước này để cho bà con mình xài, nếu con anh đi học trong một ngôi trường cũng được xây ẩu vì là tiền nhà nước, anh nghĩ sao?”. Lúc này anh ta mới trả lời, tại chủ kêu sao cứ làm vậy thôi. Những người dân đứng quanh đó, những người sẽ thụ hưởng công trình này cũng dửng dưng không có phản ứng gì. Nghèo sức mạnh có thể nhìn thấy rất rõ khi con người không có khả năng hành động, tác động hay ảnh hưởng đến môi trường xã hội xung quanh cho dù nó liên quan đến cuộc sống của chính họ.
Đáng tiếc, không phải chỉ có người nghèo “nghèo sức mạnh”, nhiều bộ phận trong xã hội cũng đang nghèo sức mạnh như vậy.
Bạo lực, tội phạm ngày một gia tăng cũng chính vì người ta không có đủ sức mạnh nội tại để ứng xử một cách thích hợp với con người và cuộc sống xung quanh mình. Không những các em học sinh đánh nhau đang nghèo sức mạnh theo nghĩa này, mà những thanh thiếu niên đang quay phim và đang dửng dưng ngồi xem gần đó cũng rất nghèo.
Giáo viên cũng rất nghèo sức mạnh của sáng tạo và đối thoại khi đặt ra những khuôn mẫu của bài học văn chương mà phủ nhận mọi suy nghĩ trung thực nhưng trái với “đáp án”.
Có nhiều cán bộ địa phương trả lời về việc tại sao không hỏi ý kiến dân về những vấn đề của họ là: “Mình cứ phải quyết định thôi, trình độ họ thấp lắm, có biết gì đâu mà ý kiến ý cò”. Những cán bộ này cũng rất nghèo sức mạnh của cái tâm để lắng nghe thực sự và để tôn trọng phẩm giá người khác.
Doanh nghiệp, cơ quan hay dự án kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, bất kể tàn phá môi trường hay tài nguyên cũng rất nghèo sức mạnh của ý thức và sức nghĩ xa khi chặn đường sống của chính khách hàng của mình, và cả chính con cháu mình.
Một đất nước mà phát triển kinh tế chỉ đem lại thịnh vượng cho một bộ phận người dân nào đó mà không chia sẻ những thành tựu của phát triển cho mọi thành viên của xã hội, đất nước đó không thể gọi là mạnh được. Nghèo đói không chỉ liên quan đến một bộ phận người dân có mức thu nhập hay tiêu dùng dưới một ngưỡng nào đó. Nó liên quan đến mọi mặt của cơ chế, chính sách xã hội, triết lý giáo dục và ứng xử xã hội của các tầng lớp người dân khác nhau. Nếu chỉ chạy theo những dự án vĩ đại mà quên đi cái nghèo mọi mặt đang âm thầm tàn phá cuộc sống của không chỉ người nghèo mà tất cả chúng ta, thì chúng ta cũng đang rất nghèo tầm nhìn vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét