Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Hội nghị thượng đỉnh G20 thông qua Tuyên bố Seoul

Tuyên bố cho biết các nước thành viên G20 cam kết áp dụng biện pháp kiểm soát vĩ mô để đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính, duy trì giá cả ổn định và chính sách tiền tệ thúc đẩy kinh tế phục hồi, áp dụng chính sách tỷ giá hối đoái để thị trường quyết định nhiều hơn, tránh biện pháp giảm giá tiền tệ để cạnh tranh.
Sau đây là bản tóm tắt nội dung của Tuyên bố Seoul:
Về tiền tệ và tỷ giá hối đoái: xác minh lại nguyên tắc hợp tác về tỷ giá hối đoái giữa các nước phát triển và các thị trường mới nổi.
Về thương mại và phát triển: loại bỏ chủ nghĩa bảo hộ thương mại và các rào cản cản trở các nước đang phát triển tăng trưởng.
Về tài chính: các nước phát triển sẽ thiết lập kế hoạch tài chính hoàn thiện, quan tâm đến yếu tố phát sinh từ việc thực hiện hoặc không thực hiện kế hoạch có thể là bùng phát nguy cơ kinh tế. Ngoài ra, hội nghị cũng cam kết thực hiện đầy đủ chế độ quản lý vốn ngân hàng và tiêu chuẩn quốc tế mới, nỗ lực tiến hành cải cách.
Về cải cách cơ cấu: các nước sẽ căn cứ vào tình hình trong nước thúc đẩy cải cách cơ cấu để kích cầu, tạo việc làm, thúc đẩy sự phát triển cân bằng của thế giới, tăng tiềm năng tăng trưởng.
Về cải cách Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF): hội nghị hoan nghênh cải cách cơ cấu và quản trị của IMF, bao gồm tăng 6% quyền biểu quyết cho các nước mới nổi và cải thiện chế độ cho vay của IMF.
Về quy chế tài chính: các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh G20 đã thông qua quy định Basel III về giám sát ngân hàng, các nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến dòng vốn và các tổ chức tài chính lớn toàn cầu.
Về thương mại: các nước thành viên G20 đồng ý sớm hoàn thành chương trình nghị sự phát triển vòng đàm phán Doha (DDA), trước năm 2013 không thiết lập rào cản thương mại và đầu tư mới, đạt đồng thuận chống lại bất kỳ hình thức bảo hộ thương mại nào.
Về phát triển: những người tham gia đồng ý giải quyết vấn đề xóa đói giảm nghèo tại các nước đang phát triển và thu hẹp khoảng cách phát triển cần đẩy mạnh các vấn đề phát triển và đã đạt được “Thỏa thuận phát triển Seoul”.
Theo một số nhà phân tích, Hội nghị G20 Seoul đã giải quyết được một số lo ngại chính của các nhà lãnh đạo châu Á và các chuyên gia theo dõi thị trường, đó là việc thiết lập các hệ thống hối đoái dựa trên thị trường và việc các nhà lãnh đạo G20 cam kết phối hợp các nỗ lực để tránh sự mất cân bằng về kinh tế.
Ông Stephen Schwartz, một nhà kinh tế của Ngân hàng đầu tư Tây Ban Nha tại Hongkong (Trung Quốc) đánh giá thỏa thuận đạt được tại hội nghị lần này là kết quả tích cực. Còn ông Anselmo Lee, một thành viên tổ chức phi lợi nhuận có tên gọi “Kêu gọi toàn cầu để chống đói nghèo” bày tỏ: “Chúng tôi rất hạnh phúc về kết quả hội nghị Seoul, bởi các nhà lãnh đạo đã thảo luận rất nghiêm túc về nghèo đói và sự phát triển. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có một số lo ngại về đường hướng mà họ đang thực thi, bởi vì có rất nhiều những cam kết, song không có một kế hoạch hành động cụ thể và cũng không có vị trí cho tổ chức xã hội dân sự”.
Tuy còn có những đánh giá khác nhau về sự thành công của Hội nghị G20 Seoul, song điều được dư luận trông chờ nhất là các nhà lãnh đạo G20, 20 nền kinh tế hàng đầu của thế giới không để những cam kết của họ trở thành “hứa hão” và thế giới tránh được một cuộc suy thoái kinh tế sâu như ba năm vừa qua./.
PVH Tổng hợp báo chí

PS: Hiện nay tình hình bán đảo Triều Tiên rất căng thẳng. Người post bài này có mục đích hoan ghi nhận hảo ý của các siêu cường kinh tế về phục hồi kinh tế toàn cầu, tuy nhiên việc duy trì hòa bình và ổn định an ninh khu vực Á châu và toàn cầu cũng rất quan trọng, là tiền đề để việc phục hồi kinh tế có ý nghĩa thực sự. Hy vọng, tình hình Triều Tiên sẽ không dẫn tới một cuộc xung đột khu vực mới.
P.V.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét