Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

SỰ TRƠ TRẼN NGẠO MẠN



Đã phàm là con người thì không ai thoát khỏi ải Tham, Sân, Si.
Đã sống trên đời thì sự trơ trẽn đồng nghĩa với sự vô văn hóa, dung tục, thô lậu.

Tổng Công Ty Điện Lực Việt Nam là một khuôn mặt đen tối nhất trong các khuôn mặt tối đen là các tổng công ty nhà nước có thể thấy được gần đây, bởi ngoài kinh doanh bết bát thua lỗ, họ còn thể hiện sự trơ trẽn ngạo mạn.

Tháng trước, ông Tổng EVN thông báo lương trung bình công nhân ngành ông chỉ hơn 7 triệu chút xíu và ông rất đau xót về chuyện này.
Tháng này theo báo cáo thanh tra mới lòi ra mặt chuột khi biết số tiền lương trung bình gấp ấy lần con số ông tổng thông báo.
Thay vì phải xin lỗi quốc dân đồng bào là khách hàng thượng đế và hứa tìm cách điều chỉnh, tăng cường việc quản lý và đầu tư đảm bảo nguồn năng lượng quốc gia, minh bạch cơ cấu giá điện, lương bổng tập đoàn, thì ông EVN lại ngạo mạn tăng 5% giá điện. Cho dù đã có sự đồng ý của CP nhưng trong khi sự việc lỗ lã chưa được làm rõ, thì việc tăng giá điện này là một sự trơ trẽn đẳng cấp.

Vì nó chà đạp luân thường đạo lý của dân tộc, khi gần 90 triệu người dân đang đang khó khăn vì suy thoái kinh tế thị lại bị EVN móc túi, cú móc sau nặng đô hơn cú móc trước. Đó không phải là sự ngạo mạn ?

Đằng trước sự ngạo mạn tăng giá này sự “sụt sùi” một cách rất trơ trẽn của ông tổng. Vì vậy mới biết thế nào là “trơ trẽn ngạo mạn”?.

PVH

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Hoan hô tranh luận...

Một vấn đề tầm cở đại sự quốc gia như việc ban hành luật pháp, nên công khai các quá trình từ vấn đề ban hành kế hoạch xây dựng pháp luật đến thảo luận của đại biểu tại hội trường và biểu quyết...để người dân được biết.

Biết chưa đủ, phải hướng người dân quan tâm và trở thành người người thể hiện nguyện vọng để tác động lên tư duy và sự biểu quyết bấm nút của đại biểu quốc hội.
Như một vở kịch tẻ nhạt, khán giả sẽ rất buồn ngũ nếu không có vai diễn xuất thần hay diễn tệ như “Trương Phi quên râu” xuất hiện để lấy những tràng pháo tay hay tiếng cười của khán giả.

Trên góc độ nào đó, phát biểu mới đây của đại biểu quốc hội Hoàng Hữu Phước không phải hoàn toàn mang ý nghĩa tiêu cực. Dân chủ trong tranh luận có thể được kích hoạt từ những phát biểu “ấn tượng” của đại biểu này.

Vậy thì phải hoan hô mở rộng đường tranh luận./.

PVH

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Chúc mừng GS Trần Thanh Vân được tặng Huy chương Tate của Viện Vật lý Mỹ

(DVT.vn) - Huy chương Tate của Viện Vật lý Mỹ được lập ra từ năm 1959. GS Trần Thanh Vân là nhà vật lý thứ 12 trên thế giới được tặng huy chương này.

Ngày 11/11/2011, GS Louis J. Lanzelotti, Chủ tịch Ban Lãnh đạo Viện Vật lý Mỹ, đã gửi tới GS Jean Trần Thanh Vân, giáo sư danh dự Đại học Paris 11 ở Gif-sur-Yvette, Orsay, Paris, bức công thư trân trọng thông báo cho GS Vân được biết: Viện Vật lý Mỹ đã quyết định tặng Giải thưởng Huy chương Tate năm 2011 cho ông vì đã thể hiện xuất sắc vai trò của một nhà lãnh đạo trong cộng đồng vật lý quốc tế, qua việc tổ chức hàng loạt cuộc hội nghị quốc tế về vật lý hạt cơ bản và vật lý thiên văn suốt hơn bốn thập niên qua, như Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois và Gặp gỡ Việt Nam, những cuộc gặp gỡ mang tầm quan trọng hàng đầu trong ngành vật lý thế giới.
Huy chương Tate của Viện Vật lý Mỹ dành tặng cho những nhà lãnh đạo xuất sắc trong ngành vật lý.

Khác với Giải thưởng Nobel nhằm tặng cho những nhà vật lý có phát minh kiệt xuất, Giải thưởng Huy chương Tate nhằm tặng cho những nhà vật lý đóng vai trò nổi bật trong việc tổ chức và lãnh đạo các hoạt động vật lý trên thế giới.
Giải thường Huy chương Tate được lập ra từ năm 1959. cách đây đã 62 năm, nhưng chỉ mới tặng cho 12 nhà vật lý nổi tiếng quốc tế: Paul Rosbaud (1961), H. W. Thompson (1966), Gilberto Bernardini (1972), Abdus Salam (1978), Pierre Aigrain (1981), Edoardo Amaldi (1989), Roald Sagdeev (1992), Willibald Jentschke (1996), Herwig Franz Schopper (2003), Erio Tosatti (2005), Yo Lu (2007), và Jean Trần Thanh Vân (2011).

Huy chương mang tên John Torrence Tate được tặng trung bình 5 năm một lần cho một nhà vật lý lỗi lạc về tổ chức và lãnh đạo. Trong số 12 nhà lãnh đạo trong ngành vật lý thế giới đã được tặng Giải thưởng Huy chương Tate, ta thấy có GS Abdus Salam, Giải thưởng Nobel. Abdus Salam được tặng Huy chương Tate không phải về phát minh vật lý, mà là về tài tổ chức và lành đạo trong ngành vật lý: Ông đứng ra sáng lâp Trung tâm Quốc tế Vật lý lý thuyết và Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới Thứ ba đặt trụ sở tại thành phố Trieste, Italy, nhờ đó thúc đẩy sự phát triển khoa học ở các nước đang phát triển.

Để bạn đọc có thêm thông tin về sự kiện này, chúng tôi giới thiệu sau đây bức công thư của GS L. J. Lanzelotti, Chủ tịch Viện Vật lý Mỹ, gửi GS Jean Trần Thanh Vân:

“Giáo sư Jean Trần Thanh Vân kính mến,
Trong cuộc họp ngày 8/11/2011, Hội đồng Lãnh đạo Viện Vật lý Mỹ đã thông qua đề nghị của Ủy ban xét tặng Giải thưởng Huy chương Tate năm 2011 là trao cho giáo sư vinh dự này, niềm vinh dự dành riêng cho các nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực vật lý.
Huy chương Tate được lập ra năm từ 1959 nhằm công nhận vai trò một nhà lãnh đạo đã phục vụ cộng đồng vật lý ở cấp độ quốc tế mà nhà lãnh đạo ấy không phải là người Mỹ. Các hoạt động của giáo sư đã giúp tăng cường sự hiểu biết quốc tế thông qua việc trao đổi thông tin và tranh luận khoa học mà chúng tôi coi là quan trọng hàng đầu. Tôi xin nêu lên sau đây một đoạn trích trong lời đánh giá của Ủy ban xét tặng Huy chương Tate:
"Viện Vật lý Mỹ trân trọng tặng Huân chương Tate cho nhà lãnh đạo quốc tế trong ngành vật lý SJean Trân Thanh Vân, người đã giữ vai trò tổ chức và lãnh đạo kéo dài hơn bốn thập niên đối với cộng đồng các nhà vật lý vượt qua mọi biên giới quốc gia và sự khác biệt về bản sắc văn hóa, thông qua các cuộc Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois, và cũng là người nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng một cộng đồng khoa học hiện đại tại Việt Nam."

Giải thưởng gồm một huy chương bằng đồng, giấy chứng nhận và một tờ ngân phiếu 10.000 USD. Huy chương sẽ được trao tại một cuộc họp thích hợp của các thành viên Viện Vật lý Mỹ. Chi phí cuộc đi của giáo sư sẽ được Viện hoàn trả.
Viện Vật lý Mỹ sẽ giới thiệu quyết định tặng Huy chương Tate năm nay tại cuộc họp Hội Vật lý Mỹ sẽ diến ra từ ngày 31/3 đến 3/4/2012 ở Atlanta.
Thay mặt Viện Vật lý Mỹ và các tổ chức thành viên của Viện, tôi xin gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới giáo sư,
Louis J. Lanzerotti
Chủ tịch Ban Lãnh đạo”


Báo DVT.vn trân trọng gửi đến GS Trần Thanh Vân lời chúc mừng nồng nhiệt.
Niềm vinh dự này không chỉ dành riêng cho Giáo sư Vân, mà còn dành cho cộng đồng các nhà vật lý Việt Nam.
Ngay từ năm 1993, khi Mỹ còn cấm vận Việt Nam, GS Vân đã về nước, hợp tác với GS Nguyễn Văn Hiệu và Viện Vật lý Việt Nam tổ chức thành công Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất về vật lý hạt cơ bản và vật lý thiên văn, thu hút nhiều nhà vật lý Mỹ và châu Âu đến Hà Nội tham dự, trong đó có GS Jack Steiberger, quốc tịch Mỹ, Giải thường Nobel. Sau cuộc gặp gỡ, GS J. Steinberger đã gửi điện cho Tổng thống Mỹ Bill Clinton yêu cầu dỡ bỏ ngay lệnh cấm vận đối với Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương và GS Nguyễn Văn Hiệu tiếp các nhà vật lý Việt kiều.

Những năm sau đó, GS Trần Thanh Vân và GS Nguyễn Văn Hiệu còn hợp tác tổ chức sáu lần Gặp gỡ Việt Nam tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

GS Trần Thanh Vân còn là nhà đồng sáng lập Trường Vật lý Việt Nam (Vietnam School of Physics), thu hút cả những nhà nghiên cứu trẻ từ các nước và lãnh thổ châu Á khác đến dự, như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thái-lan, Indonesia, Nepal, v.v.
Tổ chức khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã trao tặng hàng chục nghìn suất học bổng cho học sinh THPT, sinh viên đại học và các nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc.

GS Trần Thanh Vân và tổ chức Gặp gỡ Việt Nam còn tiến hành xây dựng Trung tâm Quốc tế Gặp gỡ khoa học và giáo dục liên ngành trên bờ biển Quy Nhơn, vơí diện tích 200 nghìn mét vuông, gồm các hội trường lớn nhỏ, khách sạn cao cấp, những ngôi nhà thư giãn thiền định, những con đường đi dạo dưới tán lá rừng dừa…
Hàm Châu

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

VAI TRÒ NGƯỜI CHÉP SỬ

Trừ những lý do đặc biệt mà con người không nhận thức hết, các sự kiện lịch sử thường được ghi lại hết sức khách quan và chân thực.

Vai trò của người chép sử từ bao đời nay vì vậy hết sức quan trọng. Ngay cả người ghi chép gia phả của dòng họ hay dư địa chí của các vùng miền chắc hẳn phải là những người có uy tín được dòng họ và cộng đồng kính trọng.
Nếu như « Bia miệng » được lưu truyền thông qua truyền khẩu là chủ yếu, thì « quốc sử » phải được chép ra bằng văn bản có tính pháp qui. Nhiều khi, những sự kiện từ « bia miệng » lại được đàng hoàng đi vào « quốc sử », và nhiều khi tính chân thực của sự kiện do « bia miệng » lưu truyền lại là căn cứ để các nhà sử học đời sau, truy tầm được bản chất và sự thật của những sự kiện được ghi lại trong « quốc sử » vốn « sai lệch » do sử gia buộc phải chắp bút dưới lưỡi kiếm của ông vua bạo tàn, độc đoán. Lại có loại người mất nhân tính, tự nguyện chép sử sai sự thực để lừa bịp lấp liếm. Đó là loại « Sử nô ».
Vì lịch sử vốn là các « sự kiện » xảy ra đúng với nguyên nhân khách quan (rất quan trọng) và chủ quan (chất xúc tác của sự kiện) nên bản chất sự thật của « sự kiện » không thể dễ dàng bị xuyên tạc và hiểu sai trong dòng chảy của lịch sử loài người.

Xin đọc lại câu chuyện dưới đây để hiểu hơn vai trò của người chép sử.

PVH

Án mạng trong sử nước Tề

Vụ án Tề Trang công bị giết được quan Thái sử nước Tề chép: “Thôi Trữ giết vua là Quang”. Thôi Trữ bắt quan thái sử chép khác đi, thái sử không chịu nên bị Thôi Trữ giết chết
Người em quan thái sử chép lại như anh mình vào quốc sử nước Tề. Thôi Trữ nổi giận lại giết người đó. Đến người em thứ 3 chép nguyên cũng bị giết. Tới khi người em thứ tư không chịu thay đổi theo lệnh của Thôi Trữ, Thôi Trữ đành thôi không giết người chép sử nữa. Vụ việc này được người đời sau nhắc đến nhiều, với lời ca ngợi tấm gương ngay thẳng không sợ chết để ghi lại sự thật của các sử quan nước Tề.
Hơn 1 năm sau, Thôi Trữ bị Khánh Phong tiêu diệt. Sau đó các vệ sĩ còn sống sót của Tề Trang công là Lư Bồ Miết và Vương Hà liên kết với các đại phu nước Tề tiêu diệt Khánh Phong để báo thù cho Tề Trang công.

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

TĂNG...

Chúng ta đang ở trong thời bình, nhưng do đất nước mới thoát ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc không bao xa nên ngôn ngữ nói và báo chí hàng ngày hiện nay còn bị ảnh hưởng nhiều của ngôn ngữ thời chiến như: “ra quân”; “chiến dịch”; “phát động”; “sơ tán”; “tập kết”...Tuy nhiên, ý định của người viết bài này muốn hướng người đọc suy nghĩ tới sự việc trong thời bình hiện nay thuộc lĩnh vực dân sinh, chứ không liên quan đến chiếc TĂNG-vũ khí siêu công phá của thời chiến.

Đùng một cái, tân bộ trưởng Y tế nêu chủ trương tăng viện phí. Cứ như là dân ta ngày càng khỏe mạnh lên, ít người vào viện nên bà bộ trưởng phải cho tăng thu để bù việc số con bệnh ngày càng giảm đi.
Đùng một cái, bộ Công thương và các tổng công ty độc quyền kinh doanh xăng dầu muốn tăng giá xăng dầu do các ông độc quyền này nại lý do kinh doanh lỗ nặng quá. Cứ như là gần 90 triệu người VN này mù lòa cả, không ai biết các ông đang làm gì và giá dầu thô quốc tế sụt giảm chừng nào so với trước đây.
Đùng một cái, ông Bộ trưởng giáo dục nhiệm kỳ trước quyết tăng học phí đại học, tăng học phí các cấp học với mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện đời sống giáo viên, phấn đấu đến năm....ông rời nhiệm sở thì giáo viên sống được bằng lương. Cứ như mấy chục giáo viên mầm non Thanh Hóa phải bỏ dạy do thu nhập thấp (chưa tới 500 ngàn/tháng) vừa rồi là những giáo viên Vô danh của ngành giáo dục và chuyện các em học sinh phải đu dây qua sông hoặc tự bơi để đến trường là những chuyện phịa hài hước của những kẻ ác ý vậy. Chuyện của ông bộ trưởng mấy năm trước nhưng cũng là hiện tượng nhức nhối của xã hội bây giờ.

Chúng ta thường nói: Dân có giàu thì Nước mới mạnh. Nhưng với cách điều hành của các vị quan chức đầu ngành như nêu ở trên, thì dân ta càng ngày càng nghèo là cái chắc vì những quyết sách “TĂNG” lung tung, vô căn cứ của các vị.
Thôi thì người dân chúng tôi thấp cổ bé họng chỉ biết ngữa cổ than với trời và kính tặng tới các vị danh hiệu họ TĂNG để bày tỏ sự bất bình vậy.

Quí ngài là con cháu của dòng họ “TĂNG VÔ CẢM”./.

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

CÂU CHUYỆN HÀNG XÓM

Lối thoát nào cho thị trường địa ốc Đà Nẵng?
Tác giả: Trường Sơn


(VEF.VN) - Lối thoát nào cho địa ốc Đà Nẵng, hay chính xác hơn là cho giới kinh doanh bất động sản (BĐS) tại thủ phủ miền Trung? Cầu chỉ có thể tăng với điều kiện tiên quyết là giá phải giảm. Nhưng nếu "kiên định" giữ giá, cầu vẫn bằng không và thị trường sẽ đóng băng vô thời hạn.
Cô quạnh trước biển
Vào cuối quý II/1011, tình hình lượng cung đất nền tại thành phố này là khoảng 4.000-5.000 lô - một con số chỉ tương đương với 1/12-1/15 lượng tồn đất nền ở TP.HCM. Đáng lý ra, với hiện tượng "tiết cung" như thế, cùng với viễn cảnh "kỳ vọng lớn vào tương lai" hoặc "thị trường BĐS Đà Nẵng sẽ tiếp tục bứt phá" như thông tin được phản ánh từ một số cuộc hội thảo chào hàng của giới BĐS Đà Nẵng tại Hà Nội trong liên tục các tháng 8-9-10/2011, lượng đất nền còn tồn của nửa đầu năm nay phải được tiêu thụ nhanh chóng.
Tuy nhiên vào nửa cuối tháng 10/2011, những hình ảnh bất lợi lại lên tiếp hiện ra đối với thực trạng thị trường BĐS của thành phố này. Số lượng đất nền mới được tung ra đã tiếp ứng và đẩy cao lượng đất nền bị tồn đến 12.000 lô hiện diện tại 26 dự án - như thống kê chính thức của hãng tư vấn BĐS CBRE.
Đóng băng toàn diện là tình trạng phổ biến ở Đà Nẵng, bao trùm hầu như tất cả các dự án lớn như Hòa Xuân, Golden Hills, Thien Park, Phương Trang... Đây cũng là những dự án chiếm tỷ lệ vốn đầu tư thuộc loại "khủng" nhất trong khu vực miền Trung. Tương ứng, nhiều biệt thự nghỉ dưỡng ven biển, với giá bán từ 500.000-900.000 USD/căn đang có nhiều dấu hiệu bị gió táp rêu phong, hàng dãy dài cô quạnh trước biển mà không có lấy vài ba giao dịch.
Khác hẳn với thị trường BĐS ở hai đầu đất nước là Hà Nội và TP.HCM, người dân Đà Nẵng có nhiều lựa chọn hơn khi diện tích đất trống ở thành phố này còn vô cùng phong phú. Vì thế, trong khi ở Hà Nội những người mua ở vẫn phải chú tâm đến loại nhà bình dân dưới 2 tỷ đồng và đất thổ cư dưới 3 tỷ đồng, thì lại gần như không có nhu cầu tương tự từ phía người dân Đà Nẵng, bất chấp các công ty kinh doanh nhà đã cố gắng thực hiện phương châm "khai sáng" cho người Đà Nẵng là "tập thích nghi với nếp sống trong chung cư hiện đại".
Vì sao lại có "nghịch lý" trên? Sẽ khó lý giải nếu chỉ dựa vào ý chí chủ quan của các chủ đầu tư đang nằm trong tình thế "kẹp hàng". Nhưng nếu so lại mối quan hệ cung cầu trong con sóng tăng BĐS tại Đà Nẵng từ giữa năm 2010 đến gần giữa năm 2011 thì mọi sự lại không đến nỗi quá khó hiểu.
Từ đầu năm 2010, đất nền Đà Nẵng đã được tích tụ dần bởi giới kinh doanh địa ốc Hà Nội. Cho đến giữa tháng 5-6/2010, đất nền Đà Nẵng được sở hữu bởi 80% khách hàng người Hà Nội và 13% khách hàng từ TP.HCM, trong khi chỉ có vỏn vẹn 7% khách mua là người địa phương và các vùng lân cận. Mối tương quan quá khập khiễng về tỷ lệ như thế đã phản ánh chính xác sức mua ngay tại Đà nẵng là nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Chính vì thế, một khi giới đầu cơ sơ cấp Hà Nội đã hoàn thành cơ bản mục đích đẩy sóng và kiếm chác lợi nhuận chủ yếu từ phân khúc đất nền, những người phải ôm hàng không ai khác là giới đầu tư thứ cấp, cũng đến chủ yếu từ Hà Nội và TP.HCM, chứ không có bao nhiêu người mang hộ khẩu Đà Nẵng.
Giảm giá hay đóng băng vô thời hạn?
Không phủ nhận là Đà Nẵng có vị trí và tiềm năng tốt hơn hẳn so với nhiều khu vực khác của miền Trung. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để kích thích thị trường BĐS của thành phố này tăng trưởng trở lại, nhất là trong bối cảnh lực cầu quá hạn hẹp từ người dân bản địa.
Nhưng vì sao trong tình hình thiếu cầu, đất nền Đà Nẵng không bị giảm giá mạnh so với đất dự án ở Hà Nội? Thực tế là từ khi lập đỉnh vào tháng 4-5/2011 cho đến nay, độ giảm giá bình quân của đất nền Đà Nẵng mới chỉ khoảng 10-12%, trong khi đất dự án ở Hà Nội giảm đến 20-25%, tức gấp đôi so với Đà Nẵng. Sự khác biệt ấy xuất phát chủ yếu từ "cơ chế đầu tư": người mua đất ở Đà Nẵng thường không dùng tới "đòn bẩy tài chính", tức vay ít hoặc không vay mượn ngân hàng; trong khi ở Hà Nội lại đã hình thành thói quen đầy rủi ro này từ giữa năm 2010 khi thị trường trở nên sôi động thật sự.
Lý do trên cũng lý giải cho việc trong khi thời gian về cuối năm 2011 đã chứng kiến liêp tiếp nhiều vụ vỡ nợ BĐS gây chấn động Hà Nội, thì ở Đà Nẵng lại hầu như không có tín hiệu nào về câu chuyện đáng sợ này. Và nếu quả thực sẽ không có những vụ vỡ nợ BĐS ở Đà Nẵng thì đó chính là một may mắn lớn cho thị trường BĐS ở thành phố này.
Tuy vậy, cái may mắn cũng hàm chứa tác dụng phụ của nó. Ở Hà Nội, "cách mạng" tín dụng đen BĐS đang có chiều hướng kéo theo làn sóng bán tháo của một số doanh nghiệp và cá nhân, do đó có thể làm cho mặt bằng đất nền giảm mạnh hơn nữa trong mấy tháng cuối năm 2011, kích thích sóng mua vào. Nhưng ở Đà Nẵng, đã khá rõ là chẳng có mấy động lực để giảm giá.
Hiện tượng giá đất vẫn treo cao kèm lượng giao dịch nhỏ giọt và trên tất cả là tình trạng đóng băng thị trường, thường mô tả cho một viễn cảnh không mấy sáng sủa. Một cách nào đó, thị trường BĐS Đà Nẵng đang khá giống với tình hình giá nhà đất tại 70 thành phố lớn của Trung Quốc: giá vẫn lơ lửng ở vùng đỉnh, nhưng giao dịch thực tế lại sụt giảm đến mức khủng khiếp. Đó hoàn toàn không phải là sự an ủi đáng kể cho giới đầu cơ ngắn hạn và cả giới đầu tư dài hạn ở Đà Nẵng.
Cũng khác hẳn với "người anh em song sinh" của mình, trong thời gian qua ở Đà Nẵng hoàn toàn không có hiện tượng giới đầu cơ làm giá cục bộ một vài khu vực đất nền nào đó. Trong khi ở Hà Nội, hiện tượng Vân Canh và Bắc An Khánh phản ánh thế bĩ cực của giới đầu cơ bị kẹp hàng nên bằng mọi cách phải đẩy giá lên để thoát hàng, thì hình ảnh đầu cơ ở Đà Nẵng lại hầu như vắng bóng.
Sự vắng bóng của đầu cơ cũng là một điều tốt cho sự ổn định xã hội của thành phố này. Nhưng ở một mặt khác, hiện tượng đó lại cho thấy dòng tiền nóng - yếu tố quyết định cho việc tạo sóng tăng BĐS - cũng vắng bóng suốt từ quý 2/2011 đến giờ. Mà đã không có dòng tiền nóng thì liệu thị trường BĐS có được đội lên để cho các chủ đầu tư tiêu thụ đất nền và biệt thự.
Tình thế của thị trường BĐS Đà Nẵng càng về cuối năm càng trở nên khó xử. Giá cứ trôi ngang, tuy không giảm nhiều nhưng giao dịch thì cũng không thấy đâu. Còn nếu trông chờ vào một con sóng BĐS mới thì có lẽ phải còn khá lâu nữa.
Gần đây bắt đầu xuất hiện những dự báo khá bi quan của giới chuyên gia về viễn cảnh thị trường BĐS Đà Nẵng chỉ có thể hồi phục sớm nhất vào quý II/2012. Dự báo này có một nét nào đó khá tương đồng với những dự báo tương tự cho thị trường BĐS Hà Nội.
Tuy thế, cũng có một yếu tố khác có thể tác động phần nào đến biến động của thị trường BĐS Đà Nẵng. Đó là sự kiện mới xảy ra trong tháng 10/2011, Tập đoàn Vinpearl được UBND TP. Đà Nẵng chấp thuận cho đầu tư dự án khu giải trí Làng Vân, với tổng vốn đầu tư lên đến 5 tỷ USD. Chưa biết dự án khổng lồ này ra sao, nhưng sớm nhất phải đến năm 2015 mới đưa vào khai thác. Liệu thời điểm ấy có quá trễ cho một con sóng hồi phục của thị trường BĐS Đà Nẵng?
Còn trong ngắn hạn và cả trung hạn, không có nhiều lối thoát cho giới kinh doanh BĐS tại địa bàn Đà nẵng. Cầu chỉ có thể tăng (có thể thôi) với điều kiện tiên quyết là giá phải giảm. Giá càng giảm mạnh, nguồn cầu càng có cơ hội xuất hiện nhiều. Nhưng nếu các chủ đầu tư "kiên định" giữ giá, cầu vẫn bằng không và thị trường sẽ đóng băng vô thời hạn.
Thế khó khăn của chủ đầu tư cũng chính là lợi thế so sánh của những người dân mua đất làm nhà. Thời gian chờ đợi có thể kéo dài 6 tháng, một năm hoặc lâu hơn, nhưng chắc chắn mặt bằng giá đất nền ở Đà Nẵng, đặc biệt ở khu vực phía Đông hướng ra biển của thành phố này, sẽ phải giảm ít nhất 30% theo quy luật thoái trào sau tăng trưởng.

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

THẾ NÀY THÌ DÂN CHẾT, XÃ HỘI SUY VONG...

Trung Quốc: 1 hóa đơn = 229 người dân

TT - Vấn đề thâm lạm trong chi tiêu công tại Trung Quốc đang trở thành điểm nóng những tháng qua. Điển hình như ở một huyện nghèo đã “đốt” hơn 800.000 tệ (125.000 USD) công quỹ vào việc tiếp đón một đoàn thanh tra tỉnh trong 20 ngày.
Ở huyện nghèo như huyện Tỉ Quy (Hồ Bắc), số tiền các quan chức địa phương đã chi ra tiếp đón một đoàn thanh tra qua chuyến tham quan bằng du thuyền hạng sang cùng những bữa tiệc linh đình tại các khách sạn xa hoa... tương đương tổng thu nhập của 229 người dân tại huyện này trong một năm!
Dân... lãnh!
Báo Tài Tân viết viên khâm sai đại thần mượn danh “Thượng Phương bảo kiếm” này đã lợi dụng cơ hội để hưởng thụ, trong khi các quan địa phương được dịp xu nịnh để thăng chức.
Trước khi đoàn thanh tra tỉnh Hồ Bắc đến thị sát huyện Tỉ Quy từ ngày 11-4 đến 9-5, bí thư Huyện ủy Tỉ Quy La Bình Lương còn cho xuất bản cuốn sách 10 điều răn yêu dân do chính ông chấp bút nhằm tạo dư luận tốt và lấy lòng các quan thanh tra.
Theo thống kê của báo Tài Tân, chỉ trong 20 ngày thị sát, số tiền được chi cho các hoạt động tiếp đón đã lên đến hơn 800.000 tệ.
Theo lời ủy viên Huyện ủy Tỉ Quy Trịnh Chi Vấn, cơ quan tiếp đón còn bao trọn hai tầng của một khách sạn bốn sao nhằm giúp công tác thanh tra “được thực hiện một cách trôi chảy”.
Các cơ quan địa phương sẵn tay bỏ ra hơn 120.000 tệ (18.800 USD) cho các quan thanh tra đi chơi bằng du thuyền ở đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang, đồng thời rộng tay vung hơn 110.000 tệ (17.200 USD) mua điện thoại, 10 tivi màn hình phẳng và nhiều vật dụng có giá trị như máy ảnh, máy tính, máy in... để “làm quà” cho các quan thanh tra.
Huyện Tỉ Quy là một trong những huyện nghèo tại Hồ Bắc. Dưới tác động của làn sóng di dân khi xây dựng đập thủy điện Tam Hiệp, cuộc sống người dân nơi đây càng thêm cơ cực.
Đến nay Tỉ Quy vẫn là một huyện “ăn cơm trung ương” nhưng lại là một trong những huyện “chịu chi” nhất không tiếc tay để làm vui lòng các đoàn thanh tra tỉnh nhà.
Quan... nhờ!
Chỉ một tháng sau khi đoàn thanh tra kết thúc chuyến thị sát tại huyện Tỉ Quy, số tiền hơn 800.000 tệ đã được cơ quan phụ trách tài chính huyện quyết toán và nghiễm nhiên trở thành một khoản chi tiêu công hợp pháp mà ai cũng rõ đó là tiền thuế của người dân huyện nghèo này.
Trong vòng chưa đến ba tháng, bí thư Huyện ủy Tỉ Quy La Bình Lương đã được cất nhắc lên chức cao trong khi chủ nhiệm Văn phòng huyện ủy Trịnh Chi Bưu trở thành ứng viên sáng giá cho vị trí chủ nhiệm ủy ban thường vụ huyện ủy.
“Khoe của”, “sĩ diện” là những từ Nhân Dân Nhật Báo ngày 26-9 dùng để chỉ thói vung tiền công quỹ của quan chức địa phương ở các huyện nghèo.
Hiện trạng các huyện nghèo tranh nhau đốt tiền vào những công trình xây dựng “mang tầm cỡ quốc gia” và những món công phí khổng lồ nhằm làm “mát mặt” địa phương không còn là cá biệt.
Gánh nặng của các khoản chi tiêu công hoang phí này đổ lên đầu những người dân nghèo với mức thu nhập 3.497 tệ (548 USD)/năm, khiến các huyện nghèo tại đây cứ mãi luẩn quẩn trong vòng nghèo đói.
Báo Thanh Niên Trung Quốc dẫn kết quả khảo sát trên 10.275 người dân từ mạng Dân Ý và mạng Sohu về vấn đề chi tiêu công cho thấy 99,1% người dân khẳng định chính sách dành cho việc tiếp đón công vụ đang tồn tại những vấn đề nghiêm trọng, 91,6% cho rằng đó là nạn tham nhũng, 63,4% đánh giá số tiền công quỹ được chi xài lãng phí, trong khi 57,6% cho rằng các chi tiêu này không minh bạch.
ĐÔNG PHƯƠNG
(Theo Tin Tức Tài Chính, Nhân Dân Nhật Báo, Thanh Niên Trung Quốc)

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Libya...

Thông tin nổi bật báo chí đăng tải hôm nay là cái chết của ông Gaddafi, cựu lãnh đạo của Lybia.
Phải chăng luật nhân quả đã ứng báo?
Hy vọng chúng sanh sẽ tỉnh & ngộ hơn sau sự biến này.
Mong thay, mong thay...

PVH

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

HIỆP SĨ

Đó là người thường ra tay giúp đỡ người khác một cách vô vị lợi.

Chúng ta thường nghe nói tới “ Hiệp sĩ đường phố” giúp bắt bọn cưới giật móc túi trên đường, “Hiệp sĩ thông tin” chuyên trị các Tin tặc trên mạng internet....

Vẫn còn đó nhiều người làm việc tốt giúp người, và có thể gọi họ là những người có tinh thần hiệp sĩ như: cứu người chết đuối; cứu dân trong thiên tai, thảm họa; cứu người lương thiện bị truy sát trên đường; bảo về người yếu thế...

Mong rằng tinh thần hiệp sĩ này sẽ được nhân rộng không những trên đất liền lục địa và còn lan rộng ra ở các vùng biển và hải đảo xa xôi, lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông.

Mong có nhiều tấm gương xả thân để cứu ngư dân bị ức hiếp trên biển, khi lãnh hải bị gây hấn và xâm phạm lấn chiếm.

Tinh thần xả thân đó chắc chắn sẽ nhanh chóng đưa sự thực lịch sử-vốn có ra phân xử tại tòa án quốc tế.

Và chiến thắng cuối cùng chắc sẽ đến vì chân lý thuộc về chúng ta, một dân tộc có tinh thần hiệp sĩ, yêu hòa bình.


PVH

“ÔNG KHÔNG PHẢI BỐ TÔI !”

Đó là tên vở kịch nổi tiếng của kịch gia Lưu Quang Vũ phản ánh thực tế xã hội Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới ở thế kỷ trước kéo theo luân thường đạo lý xã hội đổi thay. Trong vở kịch, khi anh con trai cãi láo với bố đẻ của mình thường thốt ra câu cửa miệng: “ Ông không phải bố tôi”.

Và dưới đây là một câu chuyện tiếu lâm tôi nghe được thời bao cấp:
“Một phó thường dân nhặt ở bên vệ đường một BẢN TỰ KHAI có nội dung trích yếu....
Tên khai Sinh: VN Dân Chủ Cộng Hòa
Tên thường gọi: CH XHCN VN
Tên bố: Liên Bang Cộng Hòa XHCN Xô Viết
Tên mẹ: CHND Trung Hoa
Tình trạng hôn nhân của bố mẹ: Đã li dị”

Đó là một câu chuyện tiếu lâm thâm thúy, có lý mà cũng vô lý.
Có lý:
+ Con lấy họ của cha, và ít tuối hơn cha; vì con sinh năm 1945, cha sinh năm 1917;
+ Liên Xô và Trung Quốc đã không còn nhìn mặt nhau thời chiến tranh lạnh, sau đó TQ xích lại gần Hoa Kỳ để hất ghế Đài Loan ở Liên Hợp Quốc và thừa cơ cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam.
Vô lý:
+Mẹ sinh năm ’49, sau con 4 năm nên không thể là mẹ đẻ, ngoại trừ “mẹ ghẻ”, còn làm bố của VN thì lại càng không logic;
+Tự khai thường dùng cho khai về nhân thân, các quốc hiệu nêu trên về bản chất không có tính dân sự nên không thể hợp lý nếu là trích từ nội dung trong BẢN TỰ KHAI.

Quay lại vở kịch đã nêu, chúng ta biết người bố là bộ đội thời chống Pháp, sau giải phóng Điện Biên tiến về thủ đô được phân một chổ ở bao cấp. Ông cùng vợ đã chật vật nuôi người con trai ăn học nên người ở nơi “gạo châu củi quế” giữa lòng thủ đô. Hết lòng yêu thương con, hy sinh vì con bằng lòng phụ tử và không mong ngày con báo hiếu. Chắc hẵn ông mang lòng tin tưởng vô hạn ở sự giáo dục của chế độ XHCN tươi đẹp. Đùng một cái, ông phải đối mặt với việc mất chổ ở do bị đứa con ruột thịt đuổi với câu chửi sa sả: “ Ông không phải bố tôi”.

Đó! Xã hội mà Tam Cương “ Quân – Sư - Phụ” bị coi thường đến như vậy thì tình “ Huynh đệ” ngày nay còn có nghĩa lý gì đâu!!!
Mở rộng ra việc giải quyết tình hình biển Đông hiện tại giữa VN và TQ, tôi tuyệt nhiên không tin tưởng vào sự cam kết dựa trên tình huynh đệ, đồng lòng, đồng hướng, có thêm màu mè với số má gì đó (có thể chúng ta rất thực lòng, cả tin, mong muốn hòa bình và ổn định lâu dài) mà nhất quyết phải dựa vào luật pháp quốc tế đặc biệt là Luật Biển 1982 và chứng cứ là sự thật lịch sử.

Cũng như ông bố trong vở kịch trên, (và bao ông bố khác trong đời thường) , nếu biết phòng xa, biết nghi vấn TAM CƯƠNG của Nho giáo cổ hũ (trong tình hình mới có nhiều thay đổi) ông sẽ làm giấy tờ nhà đất theo qui định của pháp luật đứng tên chung vợ và chồng thì sẽ không thể xảy ra sự cố đau lòng theo kết cục của “ vở kịch”.

« Ông không phải là bố tôi ! »
« Bà không phải là mẹ tôi ! »
« Ông phải phải là gì của tôi cả ! »

Tiếng hét văng vẳng trong vở kịch cất lên, lại nhớ Lưu Quang Vũ đến nao lòng !
Đâu đó tình Huynh đệ ngập tràn....tiếng tung hô.....hố...


PVH

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

“Có 2 tỷ đồng, đầu tư vào đâu?”

Tác giả: TS. Alan VPhan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa

Trong chuỗi hội thảo về đầu tư cho 2011 và những năm khó khăn sắp đến, câu hỏi tôi nhận nhiều nhất từ khán thính giả Việt Nam là “tôi đang có khoảng từ 1 đến 5 tỷ đồng tiền tiết kiệm. Tôi phải đầu tư vào đâu cho an toàn và hiệu quả?”
Câu trả lời của tôi vẫn là những giải pháp bền vững sau 42 năm quan sát kinh tế thế giới. Thực ra, đây là những nguyên tắc căn bản cho sự đầu tư dài hạn, dành cho một thành phần tương đối khá giả của xã hội và nó ứng dụng vào những thời điểm cực thịnh của kinh tế toàn cầu cũng như những lúc bong bong tài sản thi nhau vỡ. Nhiều người tham dự hội thảo đã thất vọng vì tôi không đưa ra một công thức nào kỳ diệu để giúp họ chụp giựt cơ hội trong suy thoái; hay để họ biết thêm một kênh "đầu cơ" hay hơn. Họ luôn có quan niệm là đầu tư thì phải biết "đi tắt đón đầu" hay "mượn đầu heo nấu cháo".
Trước hết, tôi muốn khẳng định lại sự khác biệt giữa đầu tư và kiếm tiền. Nếu đầu tư cần một tỷ lệ hoàn trái tốt (ROI-return on investment) dựa trên mức rủi ro mà nhà đầu tư đã chấp nhận sẵn; thì việc kiếm tiền lại tùy thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và địa phương, đôi khi không liên quan gì đến đầu tư. Một khế ước cung cấp lớn với một công ty đa quốc, một bắt tay với một quan chức dưới gầm bàn, một tin tức nội gián chính xác của đội lái tàu chứng khoán, một việc làm với số lương hậu hĩnh... là một ngàn lẽ một những chuyện kiếm tiền. Và theo nhiều nhà tỷ phú thế giới, tiền kiếm được nhiều và khả quan nhất là vào thời điểm cực thịnh của bong bóng hay vào những lúc đại suy thoái của nền kinh tế. Người Tàu vẫn thường ca tụng "nguy cơ", trong nguy hiểm mới thấy rõ cơ hội.
Trở lại vấn đề đầu tư: đây là một quy trình để bảo vệ tài sản của mình và hy vọng một lợi nhuận khả quan có thể được tìm thấy qua những quyết định đầu tư dựa trên khả năng chấp nhận rủi ro. Mức lợi hoàn trái (ROI) luôn có tỷ lệ thuận với các điều kiện rủi ro.
Nguồn ảnh: haiduongintrade
Nếu tôi là chủ một gia đình trung lưu, có dư chút tiền mặt trong thời điểm hiện tại ở Việt Nam, tôi sẽ theo thứ tự ưu tiên kể sau để đầu tư số tiền tiết kiệm này vào các lĩnh vực:
1. Giáo dục: Một tài sản mà chúng ta không thể mất được khi còn sống là tài sản trí tuệ. Tôi đã nói nhiều về Zuckerberg và ý tưởng Facebook của anh sinh viên 26 tuổi này. Chỉ với 1 ngàn đô la và 4 năm khai thác, anh đã biến ý tưởng mình thành 60 tỷ đô la. Dù không mấy người có những đột phá hay may mắn như Zuckerberg, nhưng một thống kê năm 2006 của Bộ Lao Động Mỹ cho thấy thu nhập trung bình của một người tốt nghiệp Tiến Sĩ là $89,600 và Cao Học là $62,300. Trong khi đó, thu nhập trung bình của một Cử Nhân là $52,200 và một bằng Trung Học là $32,200.
Tóm lại, một đầu tư vào giáo dục sẽ đem lại cho bạn, gia đình bạn, hay những người thân yêu một hoàn trái khoảng 67% mỗi năm, liên tục trong vài chục năm khi bạn có tài sản này. Không một kênh đầu tư có thể qua mặt con số ROI này trong bất cứ tình trạng kinh tế nào.
Tại Việt Nam, vì kinh tế còn dựa vào nông nghiệp và sản xuất gia công, thay vì vào dịch vụ và công nghệ cao, nên ROI có thể ít hơn. Nhưng đây là hướng đi bắt buộc của mọi nền kinh tế trong các thập kỹ tới. Ngay cả những khóa học bổ túc kéo dài chỉ vài ba tuần cũng đem lại những kết quả rất khả quan cho tài chánh cũng như công việc, nhờ có thêm kỹ năng quản lý và chuyên nghiệp chuyên sâu hơn.
2. Công ty riêng của mình: Theo cuốn sách nỗi danh của hai Giáo sư Stanley và Danko, có đến 74% các nhà triệu phú ở Mỹ thành công nhờ tài sản kiếm được từ công ty riêng của cá nhân; nhiều hơn tất cả mọi loại tài sản khác như địa ốc, chứng khoán hay tiền thừa kế từ gia đình.
Đầu tư vào công ty của mình để tăng cường nội lực: như gia tăng chất lượng sản phẩm, tìm kiếm công nghệ hiện đại, xây dựng thương hiệu lâu dài, tạo khách hàng trung thành, đào tạo đội ngũ nhân viên, thuê quản lý bài bản... là một đầu tư khôn ngoan nhất trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Vì khi hoạt động chậm lại, bạn sẽ có thì giờ để tái cấu trúc tổ chức và nhất là tài chánh, để có một dòng tiền vững bền hơn trong tương lai, về doanh thu cũng như lợi nhuận
3. Căn nhà cho gia đình: Một căn nhà là một tài sản dài lâu cho nhiều thế hệ trong gia đình và là một đầu tư cần thiết để chống đỡ những trắc trở, khó khăn có thể xảy đến trong tương lai.
Một căn nhà cho gia đình khác hẳn với một đầu tư về địa ốc. Căn nhà phải phù hợp với ý thích chủ quan của nhiều thành viên trong gia đình, và mục tiêu là để tạo dựng một môi trường để chúng ta an cư lạc nghiệp. Vì đây không phải là một đầu tư thuần túy, các yếu tố về thiên nhiên, tập quán, văn hóa, về định hướng phát triển của cá nhân và gia đình, sự thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày... có thể có tầm quan trọng hơn.
Tuy vậy, với một đầu tư cho căn nhà gia đình, mức độ hoàn trái vài chục năm vẫn còn cao hơn những đầu tư ngắn hạn về địa ốc. Một nhận xét khác của tôi là đầu tư dù là để kiếm thu nhập cố định hay đầu cơ thứ cấp (flipping) về địa ốc lúc này tại Việt Nam là một điều rất khó khăn, không nên liên quan vào, nếu không có một lợi thế cạnh tranh nào đặc biệt.
4. Vàng, bạc và các kim loại quý: Đây không thực sự là một kênh đầu tư, nhưng đây là một chiến lược phòng thủ hay nhất cho để bảo vệ tài sản lâu dài.
Trong nhiều cuộc hội thảo, tôi đã so sánh vàng với đồng US dollar được coi như là một bản vị bền vững nhất trong 40 năm vừa qua.
Trước 1971, chánh phủ Mỹ cam kết là nếu bạn có 35 dollars, chánh phủ sẽ bán cho bạn 1 lượng vàng. Sau khi Nixon hủy bỏ điều lệ này, đồng đô la đã bị suy thoái toàn diện. Không những bạn phải mất hơn $1,400 để mua một lượng vàng vào 2010, bạn chỉ cần 160 lượng là mua được một căn nhà trung bình (giá $230,000) thay vì 400 lượng như vào năm 1971 (giá $14,000).
Nếu so sánh với các bản vị khác hơn US dollar như với tiền Franc của Pháp (ngày trước Euro), peso của Mexico và Argentina, hay HK dollar của Hồng Kông, số vàng lưu giữ được suốt 40 năm qua đã tương đương với những giá trị cao ngất trời khi so với các tài sản khác. Các loại kim loại khác như bạc, platinum... thường giữ giá trị song song với vàng; nhưng việc mua bán hơi phức tạp hơn.
5. Các hợp đồng dầu thô và khoáng sản: Tôi không hiểu về luật lệ hay cách thức để mua bán tại Việt Nam các hợp đồng nguyên liệu (commodity contracts, options, delivery...) nhưng đây cũng là một kênh đầu tư có nhiều tính thanh khoản để giải ngân hay thoái vốn; và thường rất độc lập với những "thủ thuật làm giá" hay "ảnh hưởng của quản lý" như các cổ phiếu của SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ). Dĩ nhiên, những nhà kinh tế và chuyên gia hàng đầu có thể có nhiều lợi thế về thông tin và phân tích; nhưng nếu các bạn có những kinh nghiệm mua bán thực tế như giao dịch mua bán về những nguyên liệu này trong nhiều năm, bạn có thể suy đoán vững vàng còn hơn các doanh gia.
Một anh bạn tôi ở Panama, chuyên trồng và mua bán ca cao (cocoa) suốt 45 năm trong nghề, giờ kiếm tiền rất thanh nhàn với việc mua bán các hợp đồng ca cao mỗi tuần nhờ kinh nghiệm.
6. Cổ phiếu của các công ty đa quốc: Kinh tế toàn cầu có thể chậm lại trong thập niên tới, nhưng sự tăng trưởng dân số trung lưu ở nhiều nước mở mang sẽ tiếp tục gia tăng thị phần của các công ty đa quốc có thương hiệu tốt, bền vững và dòng sản phẩm đa dạng toàn cầu. Tôi muốn nói đến những công ty như P&G, Unilever, CocaCola, McDonald, Pfizer, Visa, Nestle, Sony, Honda...Các công ty này có thể có vài năm hoạt động yếu kém, nhưng nhìn ở thời điểm 10 năm, chiều hướng đi lên của các cổ phiếu gần như chắc chắn.
7. Bản vị của các quốc gia may mắn: Tôi đọc ở một thống kê đã lâu cho biết là 97% các chánh phủ trên toàn cầu luôn bội chi ngân sách và để bù vào sự thiếu hụt, họ vay mượn tối đa và in thêm tiền bừa bãi. Ngay cả chánh phủ bị nhiều kiểm soát như Mỹ cũng nằm trong danh sách bê bối này. Do đó, dù đầu tư vào bản vị nào, 97% là bạn sẽ mất tiền vì bản vị mất giá (yếu tố chính của lạm phát).
Tuy nhiên, có một vài bản vị của các quốc gia tôi gọi là may mắn như Úc (Australia) có một lượng khoáng sản dồi dào trên mỗi đầu dân cao nhất thế giới. So với các bản vị khác, đồng đô la Australia sẽ giử vững giá trị dù chánh phủ Úc cũng không tốt lành gì trong việc tiêu tiền của dân. Các quốc gia may mắn khác là Canada, Brunei, Saudi Arabia, Kuwait...
8. Trái phiếu của các chính phủ bền vững: Sau cùng tôi không thích kênh đầu tư này nhưng phải bao gồm cho những cá nhân thích bíết rõ mức hòan trái trước khi đầu tư. Tôi nghĩ có những chánh phủ rất biết trách nhiệm và không tiêu tiền bừa bãi. Khi họ phát hành trái phiếu, họ cân nhắc rất cẩn thận về khả năng trả nợ và tương lai bền vững của nền kinh tế quốc gia họ sẽ giảm thiểu mọi rủi ro. Tôi nghĩ đến trái phiếu của Đức, Thụy Sĩ, Hồng Kông, Singapore, ...những sản phẩm này có thể giúp bạn ngủ ngon hơn.
Như tôi đã nói, mức hoàn trái cuả đầu tư tùy thuộc rất nhiều vào tỷ số rủi ro. Khi biết rõ mức độ rủi ro mà mình có thể chấp nhận được, thì kênh đầu tư và thời hạn đầu tư sẽ là một bài toán khá đơn giản. Có vài nguyên tắc cần nhớ:
1. Bạn có thể có một cảm nhận tốt hơn các chuyên gia tài chánh về những vấn đề địa phương, cá nhân, đặc thù ... và nhất là khi liên quan đến tiền của mình. Nên nhớ là các quỹ đầu tư luôn luôn đánh bạc với OPM (other people's money- tiền người khác) nên những quyết định của họ thường mang lợi đến cá nhân hay sự nghiệp của họ nhiều hơn của bạn
2. Nếu mình đã phân tích kỹ lưỡng và tin tưởng vào chiến thuật đầu tư lựa chọn của mình nên kiên trì chờ đợi vì tình hình hay biến đổi bất chợt và mọi thay đổi nhanh chóng trong giao dịch sẽ chỉ làm tối loạn mục tiêu và phán đoán. Quên đi những tình trạng vĩ mô hiện thời, mọi thứ đều thay đổi trước khi mình nhận thức được thực tại. Khi nghĩ đến đầu tư, đừng suy nghĩ ngắn hạn.
3. Đừng đầu tư dàn trãi, hay chăm chú đến một hay hai lĩnh vực mà mình thông suốt. Đừng liên quan đến những mô hình kinh doanh mà mình không rõ ràng. Khi tất cả mọi người nhảy vào một lãnh vực đầu tư, thì đó là lúc mình nên rút lui để tránh tổn thất; ngoại trừ đây là một chiến thuật mình đã hoạch định và chắc chắn
Đây có thể là một bài viết hữu ích cho số vốn bạn đang tiết kiệm. Chúng ta luôn luôn tìm kiếm những công thức đầu tư thần kỳ (cũng như hay mơ mộng về những chuyện tình lãng mạn cháy bỏng); nhưng một người vợ hiền đảm đang hay một người chồng đàng hoàng có trách nhiệm, là điều tốt nhất cho cuộc sống hàng ngày hiện nay. Hãy nhìn vào thực tại, lo cho tương lai tài chánh của mình và gia đình, đừng để mất tiền vì những hoang tưởng nhất thời.

Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-04-14-co-2-ty-dong-dau-tu-vao-dau-