Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

Tự giác

Trên mục hỏi đáp của Yahoo có câu hỏi của một bạn như sau: "Tự giác là gì và ích lợi của nó trong cuộc sống?" Và câu trả lời hay nhất (do người đọc bình chọn) như sau:"Bạn ơi TỰ GIÁC: LÀ NGƯỜI CÓ NHẬN THỨC CÁ NHÂN, BIẾT LÀM NHỮNG VIỆC KHÔNG LÀM PHIỀN NGƯỜI KHÁC .Thường thì người TỰ GIÁC rất có lòng tự trọng. Ví dụ : Trong 1 buổi tiệc, ở phòng máy lạnh ai cũng ăn mặc đẹp .Có một người con trai nghịên thuốc lá, anh lấy gói thuốc ra ( và chợt nghĩ lại ) nên anh ta xin phép mọi người để ra ngoài có việc 1 chút .( Thật ra là anh ta ra kéo vài hơi thuốc lá đấy ).Thì ta nói rằng, đấy là 1 người tự giác .Vâng, vâng nếu như cả XH ai ai cũng tự giác thì sẽ ít có phiền muộn xảy ra . Công an, tòa án cũng ít có việc để làm . Vì ai cũng tự giác, làm gì có gây gỗ, đánh chửi nhau ...như thế XH ngày càng văn minh hơn đấy nhé. Chia sẻ vậy nha . Chào bạn". Tôi cũng có đồng cảm với câu trả lời trên, chỉ xin chia sẻ thêm một số ví dụ về sự tự giác hoặc không tự giác như dưới đây:
1) Một nhân viên có năng lực nhưng không tự giác phát huy khả năng của mình trong công việc, cho rằng thu nhập tôi như vậy thì tôi chỉ làm từng đó.
2) Người tham gia giao thông tự giác dừng trước vạch giao thông khi có đèn đỏ mà ở bục giao thông không có bóng anh cảnh sát.
3) Chưa tự giác tuân thủ giờ giấc làm việc nếu không có sự nhắc nhở hay phê bình trong công sở.
4) Chưa tự giác vệ sinh khu vực làm việc của mình (vì cho rằng sáng hôm sau đã có người trực nhật làm thay rồi)
5) Chưa tự giác học tập nâng cao kiến thức, thu thập thông tin áp dụng cho công việc.
6) Chưa tôn trọng người khác khi còn chơi game hoặc làm việc cá nhân quá nhiều trong giờ làm việc và ra về sớm khi không báo cáo người quản lý cũng như không ghi bảng thông báo.
7) Chưa tự giác cố gắng làm bù thời gian đi làm trễ hay nghỉ quá phép.
8) Chưa tự giác ghi chép một cách đều đặn nhật ký công việc hàng ngày.
9) Chưa tự giác làm đúng bổn phận được phân công (ví dụ thu hồi nợ chây lì tại địa phương).
10) Chưa tự giác báo cáo việc mình chưa thể hoàn thành tới Ban Điều Hành.
11) Chưa tự giác suy nghĩ đến được những điều ta đã hưởng lợi từ tổ chức mà chỉ chuyên chú tâm vào những điều tổ chức chưa làm hài lòng bản thân.
12) Chưa tự giác tự phê bình và phê bình (có thể gây mâu thuẩn nội bộ vì phê bình không đúng nơi, đúng lúc)....
TỰ GIÁC LÀ NGƯỜI CÓ NHẬN THỨC CÁ NHÂN, BIẾT LÀM NHỮNG VIỆC KHÔNG LÀM PHIỀN NGƯỜI KHÁC la mot dinh nghia HAY. Tôi hy vọng người đọc sẽ hiểu được tâm tư của cá nhân tôi qua nhũng dòng viết trên.
Phan Văn Hải

Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

Cảm nhận từ một bức ảnh đạt giải thưởng quốc tế AFHC

Bức ảnh "Đánh cá ven sông" đã được Ban Tổ Chức cuộc thi ảnh của Liên Minh Các thành phố lành mạnh (AFHC) thành phố Gangnam-Seuol Hàn Quốc chấm giải nghệ thuật. Tác giả là nhiếp ảnh viên duy nhất của Việt Nam và là thành viên thứ 2 sau Malaixia trong hiệp hội Asean nhận giải thưởng của cuộc thi, đó là anh Trương Hữu Quốc Huy - nhân viên của Trung tâm Khuyến khích tự lập Huế (CESR).

Bối cảnh chụp là một cửa sông miền Trung, con sông hiền hòa đang hòa lòng vào biển Đông bao la thanh bình và bao dung.
Đó hẵn là một con sông của tổ quốc Việt Nam, vì chính giữa khuôn hình là quốc kỳ thiêng liêng và chiếc nón lá thiết thân của người nông dân tần tảo, là chiếc thuyền độc mộc ngược xuôi, là cây xanh làng quê và đặc biệt là dãy Trường Sơn hùng vĩ ở phía xa xa. Quê hương Việt nam đó, mãnh đất thân yêu của tổ quốc ta đó. Cách cửa sông này không xa, cũng có một vùng biển đảo đang ngày đêm mong được trở về vòng tay thân yêu của đất mẹ Việt Nam, như người con sao bao ngày xa cách gia đình lớn.

Ánh sáng của bức ảnh cho ta biết đó là giờ buổi sáng, và các nông dân-ngư dân dang chuẩn bị cho mẽ lưới của buổi triều cường. Lặng lẽ, bịnh dị và thanh bình biết bao, ôi biển Việt Nam, quê hương Việt Nam; bao thế hệ người đã ngã xuống để có được thanh bình ngày hôm nay.

Hãy yên lòng các anh các bác-các cô-các anh…, vì vẫn có nhiều ánh mắt dõi theo các ngư dân đang miệt mài lao động, đó là hệ thống ăng ten cảnh thị ven biển, là thế trận lòng dân ở sau rặng xanh của cỏ cây sau lưng các chú, các bác, các cô, là nghệ sĩ nhiếp ảnh đã ghi lại được giây phút rất Việt Nam này.
Đàn vịt trắng đang bơi phía sau các ngư dân là nét chấm phá cho sự lãng mạn và mạnh mẽ và rất đời thường của một bức ảnh nghệ thuật. Chủ quyền Việt Nam được thể hiện từ những hình ảnh hàng ngày bình dhị như vậy đó.

Trương Hữu Quốc Huy và nhóm công tác TTKKTL

PS: Bức ảnh được chụp tại Cửa Đại - Hội An, Sông Thu Bồn.

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Chuẩn nghèo quá thấp!


Chuẩn nghèo mà Việt Nam đang áp dụng hiện nay là thu nhập bình quân đầu người dưới 200.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn, miền núi hoặc dưới 260.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Nói cách khác, nếu không tính vùng, miền, thì ai có thu nhập dưới 9.000 đồng/ngày (0,46 đô la Mỹ theo thời giá hiện nay) thì được xem là nghèo. Với “chuẩn” ấy, cả nước hiện vẫn còn khoảng 12% số hộ với hơn 10 triệu người nghèo.
Dự kiến, trong giai đoạn 2011-2015, chuẩn nghèo mới sẽ được nâng lên mức 400.000 đồng/người/tháng ở nông thôn và 500.000 đồng/người/tháng ở thành thị. Trong khi đó, chuẩn nghèo mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng hiện nay là thu nhập bình quân đầu người từ 60 đô la Mỹ/tháng trở xuống, tức 2 đô la/ngày.
Riêng ở Mỹ, một gia đình bốn người có thu nhập mỗi năm dưới 22.000 đô la thì bị xếp vào diện nghèo. Có nghĩa là bình quân thu nhập của mỗi công dân Mỹ trong một năm ít hơn 5.500 đô la, một tháng dưới 458 đô la và một ngày dưới 15 đô la (khoảng 300.000 đồng Việt Nam) thì được xem là người nghèo! Như vậy, chuẩn nghèo của nước Mỹ cao gấp 7,5 lần so với mức bình quân của thế giới.
Việt Nam hiện đã thoát ra khỏi hàng ngũ các quốc gia kém phát triển, đang tham gia nhiều tổ chức có uy tín trên thế giới và khu vực. Theo tôi, không có lý do gì để chúng ta tự đặt ra cho mình “chuẩn nghèo riêng” quá thấp, chỉ bằng khoảng một phần ba so với thế giới. Nếu mục đích chỉ nhằm kéo giảm số hộ nghèo xuống so với thực tế để tự an ủi thì lý do đó không chính đáng chút nào, thậm chí “lợi bất cập hại”! Do vậy, chúng ta cần nâng chuẩn nghèo của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 lên gấp đôi mức dự kiến: 800.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1 triệu đồng/người/tháng ở thành thị. Mức ấy tuy cũng còn thấp so với chuẩn thế giới, nhưng có thể tạm chấp nhận được so với thực tế cuộc sống của đại đa số nhân dân nước ta hiện nay.

Học tập người Nhật

Đại sứ Nhật Bản Sakaba vừa kết thúc nhiệm kỳ làm việc gồm hai năm và bảy tháng tại Việt Nam. Tại buổi liên hoan chia tay thân mật do Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội tổ chức, khi được hỏi “Ngài suy nghĩ thế nào về đất nước, con người Việt Nam?”, Đại sứ Sakaba đã thành thật trả lời: “Tôi muốn giới trẻ Việt Nam phải chú ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ hơn, có tinh thần kỷ luật hơn và có tính tuân thủ hơn…”.
Trên thực tế, Việt Nam cùng với Nhật Bản cũng có vài điểm tương đồng về địa lý, văn hóa, lối sống… Nếu xét về diện tích, Nhật và Việt Nam tương đương với nhau. Tính về số dân, Nhật đông gần gấp rưỡi so với Việt Nam. Còn về điều kiện tự nhiên, Việt Nam tương đối thuận lợi hơn so với Nhật.
Nhật đã từng bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng từ trong đống tro tàn đổ nát, chỉ hơn 20 năm sau họ đã vươn lên trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ). Năm 2009, GDP của Nhật đạt trên 5.000 tỉ đô la Mỹ (473.000 tỉ yen), thu nhập bình quân đầu người khoảng 40.000 đô la Mỹ/năm.
Trong khi đó, Việt Nam kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ đã hơn 35 năm, nhưng đến nay chúng ta chỉ mới vừa thoát ra khỏi nhóm các quốc gia chậm phát triển, với thu nhập bình quân đầu người năm 2009 khoảng 1.000 đô la Mỹ! Điều gì đã tạo nên sự khác biệt lớn ấy?
Mọi người từng nghe nói nhiều về “sự thần kỳ Nhật Bản” từ mấy chục năm trước nhưng theo tôi, nguyên nhân chủ yếu làm nên điều kỳ diệu đó chính là lòng tự hào, tự tôn dân tộc của họ. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, người Nhật - cả quan chức lẫn dân thường - đều nghiến răng làm việc, không một ai tỏ ra chủ quan, thỏa mãn với những thành quả to lớn đạt được.
Trong nhà trường, người Nhật giáo dục cho con em họ (đại ý): Nước Nhật nghèo lắm, tài nguyên thiên nhiên hầu như chẳng có gì, các em phải ráng học giỏi để sau này tự lo được cho bản thân, gia đình và góp phần xây dựng đất nước. Họ chẳng bao giờ “tự ru ngủ” theo kiểu “Đất nước ta rừng vàng, biển bạc…”. Bởi một khi đã yên tâm với khối “vàng, bạc” đồ sộ trời cho ấy thì nhiều người ắt sẽ nảy sinh tâm lý chẳng cần làm cũng không sợ đói, cứ từ từ hưởng thụ! Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam chậm tiến so với một số dân tộc khác ở châu Á vốn có điểm xuất phát gần giống chúng ta như Nhật, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan…
Lời khuyên của Đại sứ Sakaba đã hàm chứa tính cách vốn là thế mạnh của người Nhật và là “thế yếu” của đa số người Việt Nam. Chúng ta thường hay xem nhẹ tính kỷ luật, ít chịu tuân thủ những quy định chung như chấp hành luật lệ giao thông, giữ chữ tín trong làm ăn… Thói quen tùy tiện, được chăng hay chớ, thiếu ngăn nắp, thiếu quan tâm giữ gìn vệ sinh chung, hay chạy theo cái lợi trước mắt… sẽ là những lực cản không nhỏ làm chậm bước tiến của Việt Nam.
Cảm ơn lời khuyên chân thành của ngài Đại sứ Nhật Bản Sakaba. Nếu chúng ta biết lắng nghe, khiêm tốn học hỏi và không tự cho mình là số một thì chắc cũng sẽ nhanh chóng rút ngắn được khoảng cách với các quốc gia phát triển. “Ngoài trời còn trời”, lời dạy của người xưa không bao giờ cũ.

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2010

Hình ảnh đất nước Chilê

Bắt đầu viết dòng này khi lồng cứu hộ " Phượng Hoàng", tại khi hầm mỏ Chilê đang đưa thợ mỏ thhứ 32 lên mặt đất, như vậy dưới hầm mỏ nơi khu vực bị kẹt chỉ còn duy nhất 1 người - ở độ sau hơn 600m, đã bị kẹt hơn 69 ngày.

Chỉ còn vài phút nữa thôi, cuộc giải cứu sẽ kết thúc thành công, thông tin đại chúng toàn cầu sẽ có nhiều bài phân tích sâu, tôi đây xin chỉ viết ra nhũng suy nghĩ tức thời.

Đất nước Chilê trong tôi là hình tượng của Pinochê độc tài, của những cầu thủ chơi bóng ở các câu lạc bộ châu Âu rất tài năng, và là nơi sản xuất rượu vang ngon, đã được dùng cho quan khách quốc tế trại hội nghị APEC 2006 tại Hà nội.

Hình ảnh Chilê nay trong tôi sau đậm hơn nhiều.
- Một đất nước đã gượng dậy rất nhanh sau trận động đất kinh hoàng,
- Một đất nước có tổng thống, và các quan chức chính phủ rất gần dân, túc trực đón từng thợ mỏ bị kẹt 69 ngày trong lòng đất,
- Là sự cứng cáp, rắn rỏi của các thợ mỏ khi bị nạn, sống cách biệt với thế giới bên ngoài, có khi đã mất hết liên lạc với mặt đất,
- Là 33 khuôn mặt thợ mỏ được đào tạo rất chuyên nghiệp và thạo nghề, với nhiều tính cách rất đời thường như bao từng lớp cần lao ở bất cứ nơi đâu,
- Là sự cao thượng, khí khái khi ai cũng tình nguyện là người lên "đất" cuối cùng,
- Là niềm hạnh phúc vô bờ của bố, mẹ, vợ, con, người yêu, đồng nghiệp, người dân, đón chờ các anh hùng lên từ lòng đất,
- Là sự chuẩn bị chu đáo để tiếp đón những thợ mỏ bị kẹt,
- Là sự khẩn trương trong việc tìm kiếm các phương án cứu hộ khẩn trương nhất (việc khoan trúng chổ và thiết kế được khoang"nhộng" đưa người lên đã rút ngắn thời gian tìm kiếm, cứu hộ hơn 40 ngày, thời gian cứu hộ rút ngắn một nữa theo dự định ban đầu là 48 tiếng),
- Là sự kiện vĩ đại, được ví như việc con người đã đổ bộ lên mặt trăng cách đây hơn 40 năm,
- Là đất nước đã làm cho nhân loại đồng cảm và xích lại gần nhau hơn,
- Là hình ảnh tươi vui của Chilê xóa sạch hình tượng nhà nước độc tài thời đại Pinoche, sang một nước Chile hoàn toàn mới mẽ, thân thiện và gần gũi,
Nếu cần chọn một từ để mô tả toàn bộ công việc cứu 33 thợ mỏ bịt kẹt 69 ngày này, ta có thể dùng từ "vĩ đại".
Chắc giờ này, có nhiều người cùng tâm trạng giống tôi; khi nào người dân được quan tâm một cách thực tâm và không hình thức, sự đồng cảm sẽ được nhân lên rất nhiều lần; nền hòa bình của nhân loại cũng được xây dựng một phần từ sự việc này.
"Việc nhân nghĩa, cốt yên dân".
8 giờ sáng ngày 14 tháng 8
Đợi chờ

Kiểm tra sức khỏe tại chỗ

Lồng cứu hộ Phượng Hoàng

Mẹ già mong gặp lại con

Tổng thống của quốc dân Chi Lê

Tổng thống phát biểu tại nơi cứu hộ

Vừa mới lên khỏi mặt đất

Cờ Chi Lê và người dân chờ người thân

Quốc dân hát quốc ca Chi Lê

Tổng thống và người cuối cùng được giải cứu
Phan Văn Hải

Thứ Ba, 12 tháng 10, 2010

Thăm Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề trẻ em khuyết tật TP Đà Nẵng

Sáng ngày 6 tháng 10, tôi đã hướng dẫn đoàn Plus-1(One)net- một NGO của Nhật Bản thăm Trung tâm dạy nghề hướng nghiệp dành cho trẻ em khuyết tật tại Quận Ngũ Hành Sơn - TP Đà Nẵng. Tiền thân của Trung tâm là Làng Hòa Bình, do bà Phùng Thị Lệ Lý của Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ (East Meet West) thành lập từ năm 1992. Năm 1999 được chuyển giao cho Hôi chữ thập đỏ tp Đà Nẵng quản lý sau khi thời gian dự án kết thúc. Từ năm 2004 trở thành trường dạy nghề hướng nghiệp cho trẻ em khuyết tật của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Tổng số nhân viên của TT 10 là 10 người, dạy văn hóa và nghề cho 50 em khuyết tật, từ 7 đến 30 tuổi chia thành các lớp: Thêu, đính cườm, may, in ấn và làm hương...
Từ khi thành lập đến nay đã có 50 em tốt nghiệp sau khi học nghề tại TT và hiện đang làm việc ở các công ty tư nhân tại địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, có 30 em - sau khi rời TT không đi làm ở các công ty tư nhân nhưng có khả năng phụ giúp công việc gia đình và làm công có thu nhập ở các địa bàn ở Quảng Nam và Đà Nẵng. TT hiện nay hoàn toàn tự túc kinh phí họat động 100%. Trung tâm có qui định phân chia thu nhập từ việc bán sản phẩm như sau: Tiền bán hàng sau khi trừ đi chi phí sản xuất, số còn lại gọi là lợi nhuận; các em trực tiếp làm ra sản phẩm được hưởng 30% lợi nhuận, thầy cô giáo trực tiếp hướng dẫn các em được hưởng 10%, và phần còn lại được nhập quỹ để trang trãi cho hoạt động của TT.
Sản phẩm của các em làm ra được tiêu thụ thông qua các kênh sau: (a) Mạng lưới tình nguyện viên quốc tế (GVN) (b) Liên minh Phụ nữ Dân chủ Nhật Bản (c) Hội sinh viên Đà Nẵng (c) Khách thăm trung tâm mua giúp sản phẩm.
Mỗi khi có khách tới thăm và mua sản phẩm, các em ở đây rất vui sướng. Giá trị lao động của các em đã được xã hội chấp nhận, các em đã sống rất có ý nghĩa - nuôi được bản thân mình và giúp ích cho xã hội.
Nếu các bạn có điều kiện, xin bỏ chút thời gian tới thăm và động viên các em ở Trung Tâm, gần khu thắng cảnh Ngũ Hành Sơn nổi tiếng của thành phố Đà Nẵng. Chúng tôi cũng mong muốn Tổ chức Plus-1(One)net phối hợp với CESR để tổ chức những họat động thiện nguyện không những tại Đà Nẵng mà còn tại Huế, và điều này đã được trao đổi trực tiếp với bà Yasuko Nishiyama, giám đốc của tổ chức này.
Mong được đón tiếp và cùng hoạt động giao lưu với Plus-1(One) net tại Huế. Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-thành phố Rồng bay lên
Bảng trung tâm

Trong khuôn viên Trung Tâm Hướng nghiệp

Trao quà cho Giám đốc Trung Tâm

Lớp Đính Cườm

Lớp In ấn

Lớp Thêu

Lớp May

Lớp Làm Hương

Du khách mua hàng Lưu niệm

Chào tạm biệt

Phan Văn Hải

Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2010

Tự học - thực học

Chúng ta ai cũng biết tầm quan trọng của giáo dục, tầm quan trọng của tri thức; tuy nhiên khi xã hội ngày càng thay đổi, lượng tri thức nhân loại tăng lên không ngừng như hiện nay, thì một chứng chỉ giáo dục không đảm bảo rằng bạn là người có năng lực và chuyên môn để đáp ứng cho công việc. Chính việc tự học, và học suốt đời là điều đảm bảo cho bạn không bị lạc hậu so với xã hội, tổ chức và công việc.Nhóm dự án của chúng tôi được hình thành trên một thỏa thuận giữa UBND TP Huế và một gia đình Việt Kiều Mỹ, nhằm giúp người nghèo có vốn làm ăn tiến tới tự lập. Nhân viên ban đầu vào làm việc tại Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập (TTKKTL) chưa một ai được đào tạo về quản lý tín dụng. Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao chúng tôi phải tự học tập để mở rộng kiến thức, nghiệp vụ, đáp ứng cho công việc.Hiện nay, dự án đã quản lý nguồn vốn cho vay tới hơn 15,000 khách hàng với mục đích vay vốn để buôn bán, sản xuất tiến tới tự lập . Quá trình hội nhập quốc tế, bắt buộc trung tâm phải có trang web để truyền tải thông tin; để đảm bảo thông tin được cập nhật hàng ngày, cùng trang web tiếng Việt trang web tiếng Anh đã được xây dựng, thông tin liên tục được cập nhật mỗi ngày trên cả blog tiếng Việt và Tiếng Anh; nhân viên được khuyến khích viết báo cáo nhanh sau khi hoàn thành công việc tại cơ sở và những cảm nhận được ghi lại từ những trường hợp điển hình ở làng quê địa phương mình công tác. Bản tin nội bộ cũng được xây dựng trên lực lượng nhân viên hiện tại như một tờ báo mỗi tháng ra 2 kỳ, đây là một kênh thông tin liên lạc hữu hiệu giữa trung tâm và địa phương cũng như giúp nhân viên tổn kết họat động của nhóm mỗi 2 tuần và lên kế hoạch chung cho kỳ tiếp theo.
Trong năm 2008, trung tâm đã nhận được giải thưởng của UN-HABITAT, năm 2006 đã nhận được giải thưởng khuyến khích của tổ chức này; mới đây đã nhận được giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế AFHC (Liên minh các thành phố lành mạnh) vào tháng 9,2010…Để đạt được những kết quả trên, đội ngũ nhân viên của TTKKTL đã ra sức tự học và hoàn thiện kỹ năng đáp ứng công việc trên các mặt:- phần mềm quản trị mạng,- quản trị trang web,- biên, phiên dịch tiếng Anh;- viết và triển khai các dự án nhỏ xin tài trợ liên quan nước sạch, vệ sinh, môi trường;- tìm hiểu nghệ chụp ảnh…- quản lý nhân sự và điều phối công việc;- giám sát công trình xây dựng qui mô nhỏ…Việc học tập và tự học và học suốt đời là nghĩa vụ của mỗi người, trong trung tâm của chúng tôi nghĩa vụ này đã được nhiều nhân viên quán triệt sâu sắc và xin được ghi lại đây một số kết quả của công việc tự học nâng cao trình độ như trên.
Phan Văn Hải

Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010

Thời gian làm việc rút ngắn - hiện tượng xã hội phổ biến hay chuyện cá nhân?



Sau khi thăm cở sở mẫu giáo Xóm Gióng và Trường Tiểu Học Vĩnh Ninh (bán trú) tôi thấy rất khâm phục cường độ làm việc của các cô giáo. Tôi viết bài này để ghi nhận lòng sự cảm nhận và ngưỡng mộ của mình qua đó nêu ra một số trăn trở về thực trạng hiện tại của tổ chức TTKKTL và vấn đề làm sao để cải thiện hiện trạng.

Thời gian làm việc của cô mẫu giáo tại các trường có bán trú là liên tục từ 6:15 sáng đến 17:15 chiều. Thời gian làm việc tại trường là 11 tiếng, nghỉ trưa khoảng 30 phút nhưng không trọn vẹn vì các cháu nhỏ hay thức giấc hoặc không chịu ngủ trưa, hoặc tinh nghịch quấy bạn...

Thời gian làm việc của các cô giáo tại trường tiểu học có lớp bán trú là từ 6:45 sáng đến 17:00 chiều. Thời gian làm việc là hơn 10 tiếng, buổi trưa có thời gian 30 phút để nghỉ.
Công việc của cô bảo mẫu và tiểu học hiện nay khá căng thẳng vì đối tượng là các cháu nhỏ từ 2 đến 11 tuổi, các cháu chưa tự chủ được hành vi của mình, cần phải luôn có người để mắt theo dõi.

Thời gian làm việc của nhân viên TTKKTL được qui định là 8 tiếng mỗi ngày (như theo giờ của công chức nhà nước). Thông thường thì buổi sáng bắt đầu từ 7 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ đến 17 giờ. Tuy nhiên, tình trạng nhân viên đi làm muộn và về sớm rất phổ biến. Căn cứ ghi chép chuyên cần nhân viên tiến hành hàng ngày, nhiều nhân viên tới cơ quan buổi sáng 8:30, buổi chiều 14:30, hoặc qua theo dõi thấy nhân viên đã rời văn phòng về nhà hơn 10 giờ sáng và tầm 4 giờ chiều. Như vậy giờ làm việc nói chung của nhân viên này chỉ là 5 giờ, còn giờ làm việc thực sự để cho ra một kết quả thực sự là bao nhiêu, điều này hiện chưa có căn cứ để tính toán. Nếu tính việc ra về sớm và tới làm trễ thì thời gian làm việc của nhân viên nói trên còn ít hơn nữa.

Có thể tính thời gian làm việc của hai loại hình lao động nói trên như sau:

(a) Cô giáo MG: 22 ngày * 11 = 242 giờ
(b) Cô giáo TH: 22 ngày * 10 = 220 giờ
(c) 1 số Nhân viên CESR: 22 ngày * 05 = 110 giờ

Hiện nay tổng thu nhập trung bình mỗi tháng của nhân viên CESR là 2 triệu, của giáo viên tiểu học là 4 triệu (có thâm niên trên 20 năm dạy học), của Mẫu giáo là 1,2 triệu (với các trường tư thục).

Với giả thiết không tính tới bằng cấp, năng lực, phân biệt nghề nghiệp…, nếu tính theo thời gian làm việc và lấy lương của nhân viên CESR (2 triệu) làm cơ sở, thì số tiền lương các cô MG tư thục nhận được phải là 4,4 triệu đồng (như vậy các cô mẫu giáo đã làm từ thiện 3,2 triệu/tháng cho xã hội).Theo tính toán trên, thu nhập trên 1 giờ làm việc của nhân viên CESR và các cô tiểu học là như nhau.
Biết rằng, đây là một sự so sánh rất khập khiểng, nó chưa lột tả hết bản chất của vấn đề cần nêu (ví dụ theo góc nhìn của người quản lý, nhân viên CESR làm việc như trên được trả 2 triệu 1 tháng, trên danh nghĩa nhân viên đã nhận 3,2 triệu, vì thời gian làm việc chỉ 5 tiếng-thay vì 8 tiếng như qui định). Tuy nhiên đó cũng là một cách nhìn từ góc độ "bảo đảm thời gian làm việc theo qui định". Sự công bằng xã hội
sẽ có được từ những góc nhìn đa dạng của nhiều cá nhân và sự quyết tâm thay đổi của tất cả cộng lại. Và từ góc độ quản lý, cần phải có nhiều biện pháp để duy trì sự công bằng này.
Phan Văn Hải

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

MƯA & NGHÈO

Trường Tiểu học Quảng Phước
Đường Võ Thị Sáu
Đường về thị trấn Sịa
Cột Angten truyền hình Huế
Cầu Trường Tiền
Cầu Đen - Đông Ba
Đi thuyền - đường Bến Nghé
Kẹt trong biển nước
Niềm vui an toàn về lại thành phố Huế
Nhằm xác định chính xác đầy đủ hộ nghèo, tỷ lệ nghèo ở từng địa phương và trên cả nước, làm căn cứ cho việc xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế và an sinh xã hội của các địa phương và cả nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành triển khai tổng điều tra hộ nghèo trên phạm vi toàn quốc với tiêu chí điều tra dựa theo mức chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015 (Khu vực nông thôn: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo; Khu vực thành thị: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo) và mức cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 (Khu vực nông thôn: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đến 520.000 đồng/người/tháng là hộ cận nghèo; Khu vực thành thị: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đến 650.000 đồng/người/tháng là hộ cận nghèo); phạm vi điều tra được áp dụng trên toàn bộ hộ dân cư của cả nước.Tuy nhiên, mưa và thiên tai gây thiệt hại cho xã hội thì không phân biệt thành thị và nông thôn. Cơn mưa lớn ngày chủ nhật 3 tháng 10 đã làm cho vùng trung tâm Huế và các vùng phụ cận bị ngập lụt trầm trọng. Xin ghi lại một vài hình ảnh của nhóm công tác TTKKTL Huế được chụp cùng ngày.
Nhóm PVA-CESR

Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2010

CUỘC SỐNG ĐẦY GIAN NAN

Trong quá trình làm việc và thu hồi nợ tại phường An Tây, chúng tôi đã đi khá nhiều gia đình nhưng đây là gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mặc dù trời đã xế chiều, khi chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Út bà ta không ở nhà vì bà đang đuổi bắt 02 con vịt vừa mới nuôi. Đợi khoảng 10 phút sau mới thấy bà trở về, thoạt nhìn xa cứ nghĩ bà còn trẻ và có sức khoẻ, nhưng khi đến gần mới biết bà đã quá già để làm những việc như thế này.
Là một người đàn bà góa, chồng chết sớm để lại hai người con trai, một mình nuôi hai con đã khá vất vả nay lại còn vất vả hơn vì điều kiện kinh tế trong gia đình quá khó. Người con trai lớn đi làm ăn xa, cho đến nay vẫn không biết sống chết thế nào, người con thứ hai vẫn đang ở gần nhà bà Út nhưng ngặt nghèo thay, gia đình của con bà cũng chẳng khấm khá tí nào và vì thế bà phải tự kiếm miếng ăn để qua ngày.
Cuộc sống bà trước đây đã khó nay còn khó hơn, cái khó ở đây không phải là lo cho con cho cái mà hiện taị bà vẫn còn nợ Trung Tâm một số tiền 1.400.000đ. Nhìn chung số tiền này không lớn lắm nhưng đối với bà Út để trả được số tiền này là một vấn đề quá khó, vì hàng ngày bà buôn bán bằng gánh hàng rong: như (Cóc, ổi, đậu phộng ...). Khi gặp bà và nói chuyện về số nợ khoảng 04 năm về trước, nhìn bà tôi cảm thấy bà rất buồn tủi và hụt hẩng khi nghe thông tin này. Tuy khó khăn nhưng bà hứa sẽ trả nợ cho Chương trình một tháng nhiều nhất là 50.000đ. Trên thực tế xét thấy hoàn cảnh của bà như bây giờ mà trả nợ cho Chương trình thì không biết lấy gì để ăn qua ngày và vì thế tôi xin đề xuất Chương trình xem xét và bạn nào đọc được thông tin này xin cho thêm ý kiến làm sao giúp đỡ được những hoàn cảnh thế này?
Tại phường An Tây có nhiều người có hoàn cảnh khó khăn tương tự nên tình hình thu hồi nợ chây lì gặp hiều khó khăn. Trong tháng 09-2010 mặc dù không thu được như mong muốn của Chương trình, nhưng đây là tháng đầu tiên tôi phụ trách và làm việc với các thành viên hiện đang còn nợ của Chương trình và đã thu được số tiền: 950.000đ. Số tiền thu được tuy không lớn lắm, nhưng là nguồn động viên để tiếp thêm sức mạnh cho những tháng sắp tới. Tôi hy vọng những tháng tới số tiền thu được sẽ tăng lên nhiều nữa.
Phan Thị Thuỳ Dương