Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Chuẩn nghèo quá thấp!


Chuẩn nghèo mà Việt Nam đang áp dụng hiện nay là thu nhập bình quân đầu người dưới 200.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn, miền núi hoặc dưới 260.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Nói cách khác, nếu không tính vùng, miền, thì ai có thu nhập dưới 9.000 đồng/ngày (0,46 đô la Mỹ theo thời giá hiện nay) thì được xem là nghèo. Với “chuẩn” ấy, cả nước hiện vẫn còn khoảng 12% số hộ với hơn 10 triệu người nghèo.
Dự kiến, trong giai đoạn 2011-2015, chuẩn nghèo mới sẽ được nâng lên mức 400.000 đồng/người/tháng ở nông thôn và 500.000 đồng/người/tháng ở thành thị. Trong khi đó, chuẩn nghèo mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng hiện nay là thu nhập bình quân đầu người từ 60 đô la Mỹ/tháng trở xuống, tức 2 đô la/ngày.
Riêng ở Mỹ, một gia đình bốn người có thu nhập mỗi năm dưới 22.000 đô la thì bị xếp vào diện nghèo. Có nghĩa là bình quân thu nhập của mỗi công dân Mỹ trong một năm ít hơn 5.500 đô la, một tháng dưới 458 đô la và một ngày dưới 15 đô la (khoảng 300.000 đồng Việt Nam) thì được xem là người nghèo! Như vậy, chuẩn nghèo của nước Mỹ cao gấp 7,5 lần so với mức bình quân của thế giới.
Việt Nam hiện đã thoát ra khỏi hàng ngũ các quốc gia kém phát triển, đang tham gia nhiều tổ chức có uy tín trên thế giới và khu vực. Theo tôi, không có lý do gì để chúng ta tự đặt ra cho mình “chuẩn nghèo riêng” quá thấp, chỉ bằng khoảng một phần ba so với thế giới. Nếu mục đích chỉ nhằm kéo giảm số hộ nghèo xuống so với thực tế để tự an ủi thì lý do đó không chính đáng chút nào, thậm chí “lợi bất cập hại”! Do vậy, chúng ta cần nâng chuẩn nghèo của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 lên gấp đôi mức dự kiến: 800.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1 triệu đồng/người/tháng ở thành thị. Mức ấy tuy cũng còn thấp so với chuẩn thế giới, nhưng có thể tạm chấp nhận được so với thực tế cuộc sống của đại đa số nhân dân nước ta hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét