Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

Xe nghèo đón khách nghèo


Huế dường như là thành phố duy nhất còn tồn tại xe đạp thồ, tập trung ở các chợ: An Cựu, Bến Ngự, Tây Lộc và đông nhất là ở chợ Đông Ba. An toàn, giá rẻ hơn xe ôm, xích lô mà khách lại có thể chất đủ thứ hàng cho đáng “đồng tiền bát gạo”. Cái nghề phu xe đạp thồ nặng nhọc, lỗi thời tưởng đã đi vào dĩ vãng vẫn đang là “cần câu cơm” của nhiều gia đình.
Xe nghèo đón khách nghèo
Trời mờ sáng, chợ Đông Ba tấp nập, huyên náo với đủ thứ mùi và âm thanh trộn lẫn. Những bao hàng từ chiếc xe tải nhỏ hay xích lô đổ xuống, người đi buôn ùa vào chen lấn, giành hàng để về kịp buổi chợ sớm. Đứng cắm ở khu bán trái cây, ông Hồ Đăng Lộc kể: “Tui nhận giao hàng là chủ yếu. Hồi trước, tui chở được 100 kg. Chừ sức yếu chỉ chở được 60 kg thôi. Rứa mà có khi vừa chở hàng vừa chở người đi đoạn đường dài mấy chục cây số cũng hoa mắt, ù tai, đạp xe loạng choạng, nhích từng bước một”. Vừa dứt lời, nghe mối quen gọi, ông Lộc nhanh nhẹn bưng mấy giỏ trái cây nặng trịch chất lên xe, cột lại cẩn thận rồi chở hàng lên chợ Kim Long. Lấy đà, ông khom lưng nhấn mạnh bàn đạp. Từng vòng xe quay nặng nề. Cặm cụi đạp xe giữa đường vắng, dáng người còm cõi của ông như lọt thỏm giữa mấy kiện hàng. Chuyến mở hàng này, ông được trả 7 nghìn đồng.

6h sáng, những người đạp thồ tập trung đông đủ. Có khách gọi, từng người vào chợ bốc, chở hàng. Ai cũng có mối quen của mình. Rồi những bánh xe đạp thồ tỏa đi khắp thành phố và cả vùng ven. Ngoài những tiểu thương thuê chở hàng, khách của họ đa số là người nghèo. Đó là các mệ, các chị buôn thúng bán bưng hay những người đi chợ mỏng ví. Xe đạp thồ được gọi là nghề của người nghèo: người đạp nghèo, người ngồi cũng nghèo, mặc cả rẻ đến đâu cũng được gật đầu.


Ông Trần Duy Phụng năm nay 50 tuổi và có thâm niên gần 20 năm gắn bó với nghề phu xe. Nuôi 3 đứa con và vợ vốn là công nhân đang thất nghiệp, chiếc xe đạp cũ kỹ này là phương tiện mưu sinh của cả nhà. Một ngày thồ 60km, ông kiếm khoảng 40 nghìn, họa hoằn lắm mới được 50 nghìn, đủ tiền chợ và dư một ít bỏ ống cho con cái học hành. Hôm nào ế khách thì bóp chẹt lại cũng qua ngày. “Cách đây 10 năm, xe đạp thồ được chuộng lắm nhưng chừ phương tiện nhiều, người ta chủ yếu đi xe ôm. Làm nghề ni thì gắng cho khỏe mạnh, còn ốm đau coi như đói”, ông Phụng thở dài rồi nhẩm tính: “Từ sáng chừ chở được 3 mối: về Bao Vinh được 3 nghìn, qua cầu Bạch Thổ được 5 nghìn và lên Từ Đàm được 7 nghìn. Mở hàng ri là may mắn đây”.

Mắt chăm chăm nhìn từng người bước ra cổng, đoán chừng người nào là “khách hàng tiềm năng”, ông nhanh nhảu cất tiếng mời. Quay lại, ông tâm sự: “Nghề ni cực lắm o ơi. Nắng thì đứng dưới cái nóng rát da rát thịt. Mưa thì choàng áo mưa ngồi chóc ngóc thi gan với gió trời, lạnh cắn răng. Kiếm được vài ngàn thật không dễ, phải oằn lưng bốc hàng cho khách rồi chuyên chở đến tận nơi. Người bà con thấy chú vất vả, cho mượn tiền để mua chiếc honda Trung Quốc chạy xe ôm, nhưng chú không dám. Giá xăng cao, lỡ ế khách thì lấy mô bù tiền xăng chạy từ bên Tây Lộc qua đây, rồi tiền mô dành dụm trả nợ. Đời chú đã cực nên cố lo cho con để đời nó khá hơn. Con bé nhà chú mới tốt nghiệp trung cấp đó, thằng út cũng đang học lớp 9”. Đang nói chuyện thì có khách quen gọi, ông Phụng lật đật vừa dắt xe vừa kể: “Đó là mệ bán vé số dạo. Ngày mô chú cũng chở mệ về Phú Bình. Đáng ra là 3 nghìn nhưng chú chỉ lấy 2 nghìn. Có khi khách là người tàn tật đi ăn xin thì chú chở không công. Mình cực, họ còn khổ hơn. Thôi thì cực khổ nuôi nhau”.

Quay đều, quay đều… để mưu sinh

Hầu hết những phu xe đạp thồ đều là người già. Nghe có vẻ vô lý bởi nghề này đòi hỏi sức khỏe. Nhưng trong số những người đạp xe ở đây, nhiều người đã ngoài 60, 70, số còn lại đã qua cái tuổi ngũ tuần. Nhiều tuổi, lại nghèo nên họ không tìm được việc khác, đành chấp nhận trụ lại với nghề này. Nhiều người đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, tóc bạc phơ vẫn gò lưng đạp từng vòng xe nặng nhọc. Hỏi các ông có chạnh lòng khi thấy những người đồng trang lứa sáng sáng thong thả tập dưỡng sinh, ông Bài vỗ vào yên xe cười sảng khoái: “Thì tụi bác tập bằng cái ni đây. Đi xe đạp cũng là tập thể dục mà”. Rồi ông trầm lại: “Con cái cũng cực khổ, nuôi con nó còn không đủ, lấy chi nuôi mình. Già rồi phải bám vào bánh xe kiếm ngày ít đồng. Nghề ni dù khổ cũng dễ kiếm sống. Chỉ cần một chiếc xe đạp chắc chắn và đôi chân dẻo dai là đủ sống qua ngày”.

Ở đây, đặc một loại xe đạp giống nhau. Nhiều chiếc trông tồi tàn, sơn tróc trơ khung, căm hoen gỉ. Giỏ xe được bện bằng thép sao cho chịu được sức nặng của hàng. Phần trước được “tăng cường” thêm một cái “phoóc-ba-ga” để đỡ hàng. Phần yên sau là một tấm gỗ dày vừa người ngồi được bọc da chắc chắn. Chiếc xe nào cũng kẹp bên phải một tấm ván khoảng 3, 4 gang tay để chở hàng cồng kềnh. Trong giỏ xe là tấm áo mưa và chùm dây cao su cột hàng. Chiếc nào có chủ nhân tham gia nghiệp đoàn thì có biển số thứ tự.

Trước đây, chuyện ẩu đã, cãi nhau giành khách xảy ra như cơm bữa. Từ ngày có nghiệp đoàn quản lý, hoạt động của tổ xe đạp thồ đi vào nề nếp. Hiện nay, nghiệp đoàn xe đạp thồ chợ Đông Ba có 8 tổ, gồm 70 đoàn viên. Mỗi người đều có địa phận hoạt động riêng. Tham gia nghiệp đoàn, họ được đóng bảo hiểm y tế, được thăm nom lúc ốm đau, bệnh tật và tương trợ trong công việc. Ông Nguyễn Đôn Nghĩa không may bị thoát vị đĩa đệm phải ở nhà điều trị suốt một năm. Chân cà nhắc nhưng ông cũng cố đạp xe kiếm tiền. Mối nào hàng nhẹ anh em trong tổ đều nhường cho ông chở kiếm tiền mua thuốc… Không tham gia vào nghiệp đoàn, những người đi xe đạp thồ tự do như ông Quyền, ông Yến còn khó khăn hơn. Tuy vẫn lảng vảng ở chợ đón khách nhưng họ không được dừng một nơi cố định mà phải dắt tới, dắt lui vòng quanh chợ vì bị bảo vệ đuổi.

Từ khi xe Honda ôm xuất hiện, vừa tiện lại vừa nhanh, xe đạp thồ lép vế bởi cơ bắp không đua nổi với cơ giới. Nhiều người có điều kiện chuyển sang chạy xe ôm. Còn với những người vẫn trụ lại với nghề xe đạp thồ, ngày ngày họ vẫn gồng lưng đạp để sinh tồn bởi sau từng chuyến xe là cả gánh nặng gia đình.


Những đứa trẻ mưu sinh trên bãi biển

9 giờ sáng, khi du khách trong và ngoại tỉnh bắt đầu đổ về biển Cảnh Dương (Lộc Vĩnh, Phú Lộc) thì đó cũng là thời điểm hàng chục trẻ em, trong đó phần lớn là học sinh ở xã Lộc Vĩnh bắt đầu một ngày mới mưu sinh bằng nghề bán bánh tráng dạo. Số tiền ít ỏi kiếm được từ nghề bán dạo đó, các em dành dụm để mua sắm sách vở chuẩn bị cho năm học mới.

Để chuẩn bị “đồ nghề” ra biển mời khách, Nguyễn Thị Ly (học sinh lớp 4 Trường tiểu học Bình An) phải thức dậy từ sớm. Mất gần 20 phút để quạt than, khi chậu than bắt đầu đỏ đều, Ly cẩn thận nướng từng cái bánh tráng. Ánh nắng gay gắt của mùa hè rọi xuống, ngồi bên bếp than đỏ rực nhưng dường như Ly không có cảm giác mệt nhọc bởi công việc này đã quá quen thuộc với em. Chốc chốc, Ly lại nghỉ tay, gạt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt. Sau khi chồng bánh chừng hơn 50 cái được bỏ ngay ngắn vào trong túi nilon, Ly lại bắt đầu một ngày mới mưu sinh.


Mới học lớp 4, Ly đã có 4 năm trong nghề bán bánh tráng dạo ở bãi biển Cảnh Dương này. Đối với các ngày thứ 7, chủ nhật, lượng khách về biển đông nên Ly cũng vất vả hơn. Đi dọc bãi biển, hễ nhìn thấy bất cứ đoàn khách nào, Ly cũng chạy lại mời. Từ 9 giờ sáng đến tối mịt, đôi chân trần của Ly không biết đã đi qua bao cây số. “Em đi quen rồi nên không thấy mệt. Chị thấy đó, cát rát bỏng chân mà da em vẫn bình thường”- vừa nói Ly vừa chỉ bàn chân của em cho chúng tôi xem. “Trước đây, người đi bán bánh tráng ít, mỗi ngày em cũng kiếm được 10 đến 15 ngàn đồng, nhưng bữa nay thì khó lắm, có khi năn nỉ đến khô cổ họ mới mua. Ngày mô bán hết bánh mới lời (lãi) được 10 ngàn đồng. Số tiền này em dành dụm để mua sách vở và đóng học phí” - Ly thổ lộ.


Hàng chục đứa trẻ bán bánh tráng dạo ở biển Cảnh Dương đều có hoàn cảnh tương tự Ly. Trưa, dưới cái nắng gay gắt, trời nóng hầm hập đến rát mặt, những đứa trẻ sau nhiều giờ lao động cực lực cũng ngồi bệt giữa cát, gương mặt thẫn thờ. Đang ngồi đếm từng đồng tiền bán hàng, bỗng nhìn thấy chiếc xe ô tô mang biển số 52… vừa dừng lại ở bãi biển, hàng chục đứa trẻ tranh nhau chạy tới và theo chân du khách vào tận quán ăn. Các vị khách vừa xuống xe rất mệt nhọc, nhưng không cầm lòng khi thấy đám trẻ con “bủa vây” nên đã rút tiền để mua bánh.

Hai chị em ruột Trần Thị Hiền (học lớp 2) và Trần Thị Thắm (học lớp 5) hơn 3 năm bán bánh tráng trên bãi biển này kể lại: “Có mấy anh chị lớn, đi bán lâu năm, nhiều khi khách mua cho tụi em nhưng các anh chị đó vẫn giành mối, rứa là tụi em đành ngậm ngùi, vì nói sợ bị đánh”. Những lúc như thế, hai chị em Hiền và Thắm tranh thủ đi nhặt lon bia, chai nhựa để bán ve chai kiếm thêm tiền. Thắm kể, năm ngoái, hai chị em đi bán gần 3 tháng nhưng lãi chưa tới 1 triệu đồng. Số tiền đó, các em dành mua sách vở, may áo quần và tiền học phí nhưng cũng không đủ. “Nhiều hôm thấy tụi em đi bán về khuya, mẹ không yên tâm và cho tụi em ở nhà nhưng thấy ba mẹ ngày nào cũng thức khuya dậy sớm đi gánh cá thuê, vất vả lắm nên chị em em muốn đi bán để đỡ đần phần nào” - Thắm tâm sự.

Hai anh em ruột Nguyễn Thế Tí (lớp 3) và Nguyễn Thế Luy (lớp 6) trông già dặn hơn nhiều so với tuổi. Tóc các em cũng ngả màu vì nhuốm nắng. Dưới nắng nóng 40 độ C nhưng Luy và Tí vẫn đầu trần chạy thoăn thoắt đi mời từ đoàn khách này đến đoàn khác. Tấm áo thun đã sờn chỉ ướt đẫm mồ hôi nhưng dường như Tí vẫn không quan tâm khi em vừa “trúng mánh” bán được một lúc 20 bánh tráng. “Mệt mấy cũng được miễn răng là bán được hàng o ơi”- Tí nhoẻn miệng cười một cách hồn nhiên. Luy và Tí cho biết, trung bình mỗi ngày 2 em cũng kiếm được khoảng 20 ngàn đồng. Số tiền này, hai em dành dụm để mua sách vở, may quần áo.

Nhỏ tuổi nhất trong số những trẻ em bán dạo ở biển Cảnh Dương là em Trần Thị Ni (6 tuổi). Nhỏ tuổi so với các anh chị nên Ni thường được ưu ái, du khách thường hay mua hàng cho em. Ni cho biết: “Em chuẩn bị vào lớp 1, nên ngày mô mẹ cũng nướng bánh để em ra biển bán kiếm tiền may áo. Có nhiều khách không mua thì cũng cho em vài ba ngàn đồng”.

Hoàng hôn buông xuống, khi những đứa trẻ có điều kiện lại được đến công viên để vui chơi giải trí trong những ngày hè hoặc đang được sum vầy bên gia đình, thì trên bãi biển Cảnh Dương vẫn thấp thoáng hàng chục trẻ em phải “chạy đua” với những xấp bánh tráng trên tay...

Thứ Hai, 16 tháng 8, 2010

CHIẾN DỊCH ĐỨNG LÊN VÀ HÀNH ĐỘNG CHỐNG ĐÓI NGHÈO

Tổ chức CITYNET khuyến khích các thành viên trong mạng lưới hãy đứng lên, hành động và tổ chức các sự kiện suốt thời gian chiến dịch “ Hãy đứng lên và hành động chống nghèo đói”.
Khi các nhà lãnh đạo thế giới tụ họp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc để tham gia Hội Nghị Đánh Giá Các Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ vào tháng 9/2010, thì tiếng nói công dân các nước sẽ thông qua các đại biểu để tuyên bố một cách rõ ràng rằng : “Chúng tôi không còn ngồi yên và im lặng trước sự nghèo đói và cần phá vỡ các thoả hiệp để kết thúc vấn đề này”

Nhu cầu và mong muốn của công dân từ các châu lục, mà đã được phản ánh trong năm 2010, sẽ thể hiện cụ thể trong chiến dịch “ Đứng lên 2010”. Chiến dịch “Đứng Lên 2010” sẽ diễn ra hơn 3 ngày từ thứ sáu ngày 17/09 đến chủ nhật ngày 19 tháng 9 năm 2010.

Hội Nghị Đánh Giá Các Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ mang đến cho chúng ta một cơ hội duy nhất làm cơ sở và thu hút sự quan tâm các nhà chính trị và các phương tiên truyền thông.

Việc khởi động chiến dịch “Đứng lên 2010” vào cuối tuần trước khi Hội nghị diễn ra sẽ cho phép chúng ta hướng các hoạt động trong năm của mình đi đến một chiến dịch vận động cao nhất có sự liên kết trực tiếp và có mục đích tác động lên các tiến trình tại Hội nghị. Đồng thời giúp chúng ta tập trung các hoạt động và công việc trong năm 2010 hướng tới một phong trào chính trị đặc biệt để đưa ra những nhu cầu bức thiết, chính sách dựa trên những gì mà chúng ta muốn các chính phủ khác nhau, các đoàn đại biểu ưu tiên đề cập trong Hội Nghị và những gì chúng ta mong muốn họ đạt được tại Hội Nghị.

Trích dẫn từ “ www.citynet-ap.org/media-room/events/s/stand-up-campaign-2010/+stand-up+2010+campaign&cd=3&hl=vi&ct=clnk&gl=vn”