Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Hoan hô tranh luận...

Một vấn đề tầm cở đại sự quốc gia như việc ban hành luật pháp, nên công khai các quá trình từ vấn đề ban hành kế hoạch xây dựng pháp luật đến thảo luận của đại biểu tại hội trường và biểu quyết...để người dân được biết.

Biết chưa đủ, phải hướng người dân quan tâm và trở thành người người thể hiện nguyện vọng để tác động lên tư duy và sự biểu quyết bấm nút của đại biểu quốc hội.
Như một vở kịch tẻ nhạt, khán giả sẽ rất buồn ngũ nếu không có vai diễn xuất thần hay diễn tệ như “Trương Phi quên râu” xuất hiện để lấy những tràng pháo tay hay tiếng cười của khán giả.

Trên góc độ nào đó, phát biểu mới đây của đại biểu quốc hội Hoàng Hữu Phước không phải hoàn toàn mang ý nghĩa tiêu cực. Dân chủ trong tranh luận có thể được kích hoạt từ những phát biểu “ấn tượng” của đại biểu này.

Vậy thì phải hoan hô mở rộng đường tranh luận./.

PVH

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Chúc mừng GS Trần Thanh Vân được tặng Huy chương Tate của Viện Vật lý Mỹ

(DVT.vn) - Huy chương Tate của Viện Vật lý Mỹ được lập ra từ năm 1959. GS Trần Thanh Vân là nhà vật lý thứ 12 trên thế giới được tặng huy chương này.

Ngày 11/11/2011, GS Louis J. Lanzelotti, Chủ tịch Ban Lãnh đạo Viện Vật lý Mỹ, đã gửi tới GS Jean Trần Thanh Vân, giáo sư danh dự Đại học Paris 11 ở Gif-sur-Yvette, Orsay, Paris, bức công thư trân trọng thông báo cho GS Vân được biết: Viện Vật lý Mỹ đã quyết định tặng Giải thưởng Huy chương Tate năm 2011 cho ông vì đã thể hiện xuất sắc vai trò của một nhà lãnh đạo trong cộng đồng vật lý quốc tế, qua việc tổ chức hàng loạt cuộc hội nghị quốc tế về vật lý hạt cơ bản và vật lý thiên văn suốt hơn bốn thập niên qua, như Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois và Gặp gỡ Việt Nam, những cuộc gặp gỡ mang tầm quan trọng hàng đầu trong ngành vật lý thế giới.
Huy chương Tate của Viện Vật lý Mỹ dành tặng cho những nhà lãnh đạo xuất sắc trong ngành vật lý.

Khác với Giải thưởng Nobel nhằm tặng cho những nhà vật lý có phát minh kiệt xuất, Giải thưởng Huy chương Tate nhằm tặng cho những nhà vật lý đóng vai trò nổi bật trong việc tổ chức và lãnh đạo các hoạt động vật lý trên thế giới.
Giải thường Huy chương Tate được lập ra từ năm 1959. cách đây đã 62 năm, nhưng chỉ mới tặng cho 12 nhà vật lý nổi tiếng quốc tế: Paul Rosbaud (1961), H. W. Thompson (1966), Gilberto Bernardini (1972), Abdus Salam (1978), Pierre Aigrain (1981), Edoardo Amaldi (1989), Roald Sagdeev (1992), Willibald Jentschke (1996), Herwig Franz Schopper (2003), Erio Tosatti (2005), Yo Lu (2007), và Jean Trần Thanh Vân (2011).

Huy chương mang tên John Torrence Tate được tặng trung bình 5 năm một lần cho một nhà vật lý lỗi lạc về tổ chức và lãnh đạo. Trong số 12 nhà lãnh đạo trong ngành vật lý thế giới đã được tặng Giải thưởng Huy chương Tate, ta thấy có GS Abdus Salam, Giải thưởng Nobel. Abdus Salam được tặng Huy chương Tate không phải về phát minh vật lý, mà là về tài tổ chức và lành đạo trong ngành vật lý: Ông đứng ra sáng lâp Trung tâm Quốc tế Vật lý lý thuyết và Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới Thứ ba đặt trụ sở tại thành phố Trieste, Italy, nhờ đó thúc đẩy sự phát triển khoa học ở các nước đang phát triển.

Để bạn đọc có thêm thông tin về sự kiện này, chúng tôi giới thiệu sau đây bức công thư của GS L. J. Lanzelotti, Chủ tịch Viện Vật lý Mỹ, gửi GS Jean Trần Thanh Vân:

“Giáo sư Jean Trần Thanh Vân kính mến,
Trong cuộc họp ngày 8/11/2011, Hội đồng Lãnh đạo Viện Vật lý Mỹ đã thông qua đề nghị của Ủy ban xét tặng Giải thưởng Huy chương Tate năm 2011 là trao cho giáo sư vinh dự này, niềm vinh dự dành riêng cho các nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực vật lý.
Huy chương Tate được lập ra năm từ 1959 nhằm công nhận vai trò một nhà lãnh đạo đã phục vụ cộng đồng vật lý ở cấp độ quốc tế mà nhà lãnh đạo ấy không phải là người Mỹ. Các hoạt động của giáo sư đã giúp tăng cường sự hiểu biết quốc tế thông qua việc trao đổi thông tin và tranh luận khoa học mà chúng tôi coi là quan trọng hàng đầu. Tôi xin nêu lên sau đây một đoạn trích trong lời đánh giá của Ủy ban xét tặng Huy chương Tate:
"Viện Vật lý Mỹ trân trọng tặng Huân chương Tate cho nhà lãnh đạo quốc tế trong ngành vật lý SJean Trân Thanh Vân, người đã giữ vai trò tổ chức và lãnh đạo kéo dài hơn bốn thập niên đối với cộng đồng các nhà vật lý vượt qua mọi biên giới quốc gia và sự khác biệt về bản sắc văn hóa, thông qua các cuộc Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois, và cũng là người nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng một cộng đồng khoa học hiện đại tại Việt Nam."

Giải thưởng gồm một huy chương bằng đồng, giấy chứng nhận và một tờ ngân phiếu 10.000 USD. Huy chương sẽ được trao tại một cuộc họp thích hợp của các thành viên Viện Vật lý Mỹ. Chi phí cuộc đi của giáo sư sẽ được Viện hoàn trả.
Viện Vật lý Mỹ sẽ giới thiệu quyết định tặng Huy chương Tate năm nay tại cuộc họp Hội Vật lý Mỹ sẽ diến ra từ ngày 31/3 đến 3/4/2012 ở Atlanta.
Thay mặt Viện Vật lý Mỹ và các tổ chức thành viên của Viện, tôi xin gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới giáo sư,
Louis J. Lanzerotti
Chủ tịch Ban Lãnh đạo”


Báo DVT.vn trân trọng gửi đến GS Trần Thanh Vân lời chúc mừng nồng nhiệt.
Niềm vinh dự này không chỉ dành riêng cho Giáo sư Vân, mà còn dành cho cộng đồng các nhà vật lý Việt Nam.
Ngay từ năm 1993, khi Mỹ còn cấm vận Việt Nam, GS Vân đã về nước, hợp tác với GS Nguyễn Văn Hiệu và Viện Vật lý Việt Nam tổ chức thành công Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất về vật lý hạt cơ bản và vật lý thiên văn, thu hút nhiều nhà vật lý Mỹ và châu Âu đến Hà Nội tham dự, trong đó có GS Jack Steiberger, quốc tịch Mỹ, Giải thường Nobel. Sau cuộc gặp gỡ, GS J. Steinberger đã gửi điện cho Tổng thống Mỹ Bill Clinton yêu cầu dỡ bỏ ngay lệnh cấm vận đối với Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương và GS Nguyễn Văn Hiệu tiếp các nhà vật lý Việt kiều.

Những năm sau đó, GS Trần Thanh Vân và GS Nguyễn Văn Hiệu còn hợp tác tổ chức sáu lần Gặp gỡ Việt Nam tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

GS Trần Thanh Vân còn là nhà đồng sáng lập Trường Vật lý Việt Nam (Vietnam School of Physics), thu hút cả những nhà nghiên cứu trẻ từ các nước và lãnh thổ châu Á khác đến dự, như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thái-lan, Indonesia, Nepal, v.v.
Tổ chức khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã trao tặng hàng chục nghìn suất học bổng cho học sinh THPT, sinh viên đại học và các nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc.

GS Trần Thanh Vân và tổ chức Gặp gỡ Việt Nam còn tiến hành xây dựng Trung tâm Quốc tế Gặp gỡ khoa học và giáo dục liên ngành trên bờ biển Quy Nhơn, vơí diện tích 200 nghìn mét vuông, gồm các hội trường lớn nhỏ, khách sạn cao cấp, những ngôi nhà thư giãn thiền định, những con đường đi dạo dưới tán lá rừng dừa…
Hàm Châu

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

VAI TRÒ NGƯỜI CHÉP SỬ

Trừ những lý do đặc biệt mà con người không nhận thức hết, các sự kiện lịch sử thường được ghi lại hết sức khách quan và chân thực.

Vai trò của người chép sử từ bao đời nay vì vậy hết sức quan trọng. Ngay cả người ghi chép gia phả của dòng họ hay dư địa chí của các vùng miền chắc hẳn phải là những người có uy tín được dòng họ và cộng đồng kính trọng.
Nếu như « Bia miệng » được lưu truyền thông qua truyền khẩu là chủ yếu, thì « quốc sử » phải được chép ra bằng văn bản có tính pháp qui. Nhiều khi, những sự kiện từ « bia miệng » lại được đàng hoàng đi vào « quốc sử », và nhiều khi tính chân thực của sự kiện do « bia miệng » lưu truyền lại là căn cứ để các nhà sử học đời sau, truy tầm được bản chất và sự thật của những sự kiện được ghi lại trong « quốc sử » vốn « sai lệch » do sử gia buộc phải chắp bút dưới lưỡi kiếm của ông vua bạo tàn, độc đoán. Lại có loại người mất nhân tính, tự nguyện chép sử sai sự thực để lừa bịp lấp liếm. Đó là loại « Sử nô ».
Vì lịch sử vốn là các « sự kiện » xảy ra đúng với nguyên nhân khách quan (rất quan trọng) và chủ quan (chất xúc tác của sự kiện) nên bản chất sự thật của « sự kiện » không thể dễ dàng bị xuyên tạc và hiểu sai trong dòng chảy của lịch sử loài người.

Xin đọc lại câu chuyện dưới đây để hiểu hơn vai trò của người chép sử.

PVH

Án mạng trong sử nước Tề

Vụ án Tề Trang công bị giết được quan Thái sử nước Tề chép: “Thôi Trữ giết vua là Quang”. Thôi Trữ bắt quan thái sử chép khác đi, thái sử không chịu nên bị Thôi Trữ giết chết
Người em quan thái sử chép lại như anh mình vào quốc sử nước Tề. Thôi Trữ nổi giận lại giết người đó. Đến người em thứ 3 chép nguyên cũng bị giết. Tới khi người em thứ tư không chịu thay đổi theo lệnh của Thôi Trữ, Thôi Trữ đành thôi không giết người chép sử nữa. Vụ việc này được người đời sau nhắc đến nhiều, với lời ca ngợi tấm gương ngay thẳng không sợ chết để ghi lại sự thật của các sử quan nước Tề.
Hơn 1 năm sau, Thôi Trữ bị Khánh Phong tiêu diệt. Sau đó các vệ sĩ còn sống sót của Tề Trang công là Lư Bồ Miết và Vương Hà liên kết với các đại phu nước Tề tiêu diệt Khánh Phong để báo thù cho Tề Trang công.

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

TĂNG...

Chúng ta đang ở trong thời bình, nhưng do đất nước mới thoát ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc không bao xa nên ngôn ngữ nói và báo chí hàng ngày hiện nay còn bị ảnh hưởng nhiều của ngôn ngữ thời chiến như: “ra quân”; “chiến dịch”; “phát động”; “sơ tán”; “tập kết”...Tuy nhiên, ý định của người viết bài này muốn hướng người đọc suy nghĩ tới sự việc trong thời bình hiện nay thuộc lĩnh vực dân sinh, chứ không liên quan đến chiếc TĂNG-vũ khí siêu công phá của thời chiến.

Đùng một cái, tân bộ trưởng Y tế nêu chủ trương tăng viện phí. Cứ như là dân ta ngày càng khỏe mạnh lên, ít người vào viện nên bà bộ trưởng phải cho tăng thu để bù việc số con bệnh ngày càng giảm đi.
Đùng một cái, bộ Công thương và các tổng công ty độc quyền kinh doanh xăng dầu muốn tăng giá xăng dầu do các ông độc quyền này nại lý do kinh doanh lỗ nặng quá. Cứ như là gần 90 triệu người VN này mù lòa cả, không ai biết các ông đang làm gì và giá dầu thô quốc tế sụt giảm chừng nào so với trước đây.
Đùng một cái, ông Bộ trưởng giáo dục nhiệm kỳ trước quyết tăng học phí đại học, tăng học phí các cấp học với mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện đời sống giáo viên, phấn đấu đến năm....ông rời nhiệm sở thì giáo viên sống được bằng lương. Cứ như mấy chục giáo viên mầm non Thanh Hóa phải bỏ dạy do thu nhập thấp (chưa tới 500 ngàn/tháng) vừa rồi là những giáo viên Vô danh của ngành giáo dục và chuyện các em học sinh phải đu dây qua sông hoặc tự bơi để đến trường là những chuyện phịa hài hước của những kẻ ác ý vậy. Chuyện của ông bộ trưởng mấy năm trước nhưng cũng là hiện tượng nhức nhối của xã hội bây giờ.

Chúng ta thường nói: Dân có giàu thì Nước mới mạnh. Nhưng với cách điều hành của các vị quan chức đầu ngành như nêu ở trên, thì dân ta càng ngày càng nghèo là cái chắc vì những quyết sách “TĂNG” lung tung, vô căn cứ của các vị.
Thôi thì người dân chúng tôi thấp cổ bé họng chỉ biết ngữa cổ than với trời và kính tặng tới các vị danh hiệu họ TĂNG để bày tỏ sự bất bình vậy.

Quí ngài là con cháu của dòng họ “TĂNG VÔ CẢM”./.

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

CÂU CHUYỆN HÀNG XÓM

Lối thoát nào cho thị trường địa ốc Đà Nẵng?
Tác giả: Trường Sơn


(VEF.VN) - Lối thoát nào cho địa ốc Đà Nẵng, hay chính xác hơn là cho giới kinh doanh bất động sản (BĐS) tại thủ phủ miền Trung? Cầu chỉ có thể tăng với điều kiện tiên quyết là giá phải giảm. Nhưng nếu "kiên định" giữ giá, cầu vẫn bằng không và thị trường sẽ đóng băng vô thời hạn.
Cô quạnh trước biển
Vào cuối quý II/1011, tình hình lượng cung đất nền tại thành phố này là khoảng 4.000-5.000 lô - một con số chỉ tương đương với 1/12-1/15 lượng tồn đất nền ở TP.HCM. Đáng lý ra, với hiện tượng "tiết cung" như thế, cùng với viễn cảnh "kỳ vọng lớn vào tương lai" hoặc "thị trường BĐS Đà Nẵng sẽ tiếp tục bứt phá" như thông tin được phản ánh từ một số cuộc hội thảo chào hàng của giới BĐS Đà Nẵng tại Hà Nội trong liên tục các tháng 8-9-10/2011, lượng đất nền còn tồn của nửa đầu năm nay phải được tiêu thụ nhanh chóng.
Tuy nhiên vào nửa cuối tháng 10/2011, những hình ảnh bất lợi lại lên tiếp hiện ra đối với thực trạng thị trường BĐS của thành phố này. Số lượng đất nền mới được tung ra đã tiếp ứng và đẩy cao lượng đất nền bị tồn đến 12.000 lô hiện diện tại 26 dự án - như thống kê chính thức của hãng tư vấn BĐS CBRE.
Đóng băng toàn diện là tình trạng phổ biến ở Đà Nẵng, bao trùm hầu như tất cả các dự án lớn như Hòa Xuân, Golden Hills, Thien Park, Phương Trang... Đây cũng là những dự án chiếm tỷ lệ vốn đầu tư thuộc loại "khủng" nhất trong khu vực miền Trung. Tương ứng, nhiều biệt thự nghỉ dưỡng ven biển, với giá bán từ 500.000-900.000 USD/căn đang có nhiều dấu hiệu bị gió táp rêu phong, hàng dãy dài cô quạnh trước biển mà không có lấy vài ba giao dịch.
Khác hẳn với thị trường BĐS ở hai đầu đất nước là Hà Nội và TP.HCM, người dân Đà Nẵng có nhiều lựa chọn hơn khi diện tích đất trống ở thành phố này còn vô cùng phong phú. Vì thế, trong khi ở Hà Nội những người mua ở vẫn phải chú tâm đến loại nhà bình dân dưới 2 tỷ đồng và đất thổ cư dưới 3 tỷ đồng, thì lại gần như không có nhu cầu tương tự từ phía người dân Đà Nẵng, bất chấp các công ty kinh doanh nhà đã cố gắng thực hiện phương châm "khai sáng" cho người Đà Nẵng là "tập thích nghi với nếp sống trong chung cư hiện đại".
Vì sao lại có "nghịch lý" trên? Sẽ khó lý giải nếu chỉ dựa vào ý chí chủ quan của các chủ đầu tư đang nằm trong tình thế "kẹp hàng". Nhưng nếu so lại mối quan hệ cung cầu trong con sóng tăng BĐS tại Đà Nẵng từ giữa năm 2010 đến gần giữa năm 2011 thì mọi sự lại không đến nỗi quá khó hiểu.
Từ đầu năm 2010, đất nền Đà Nẵng đã được tích tụ dần bởi giới kinh doanh địa ốc Hà Nội. Cho đến giữa tháng 5-6/2010, đất nền Đà Nẵng được sở hữu bởi 80% khách hàng người Hà Nội và 13% khách hàng từ TP.HCM, trong khi chỉ có vỏn vẹn 7% khách mua là người địa phương và các vùng lân cận. Mối tương quan quá khập khiễng về tỷ lệ như thế đã phản ánh chính xác sức mua ngay tại Đà nẵng là nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Chính vì thế, một khi giới đầu cơ sơ cấp Hà Nội đã hoàn thành cơ bản mục đích đẩy sóng và kiếm chác lợi nhuận chủ yếu từ phân khúc đất nền, những người phải ôm hàng không ai khác là giới đầu tư thứ cấp, cũng đến chủ yếu từ Hà Nội và TP.HCM, chứ không có bao nhiêu người mang hộ khẩu Đà Nẵng.
Giảm giá hay đóng băng vô thời hạn?
Không phủ nhận là Đà Nẵng có vị trí và tiềm năng tốt hơn hẳn so với nhiều khu vực khác của miền Trung. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để kích thích thị trường BĐS của thành phố này tăng trưởng trở lại, nhất là trong bối cảnh lực cầu quá hạn hẹp từ người dân bản địa.
Nhưng vì sao trong tình hình thiếu cầu, đất nền Đà Nẵng không bị giảm giá mạnh so với đất dự án ở Hà Nội? Thực tế là từ khi lập đỉnh vào tháng 4-5/2011 cho đến nay, độ giảm giá bình quân của đất nền Đà Nẵng mới chỉ khoảng 10-12%, trong khi đất dự án ở Hà Nội giảm đến 20-25%, tức gấp đôi so với Đà Nẵng. Sự khác biệt ấy xuất phát chủ yếu từ "cơ chế đầu tư": người mua đất ở Đà Nẵng thường không dùng tới "đòn bẩy tài chính", tức vay ít hoặc không vay mượn ngân hàng; trong khi ở Hà Nội lại đã hình thành thói quen đầy rủi ro này từ giữa năm 2010 khi thị trường trở nên sôi động thật sự.
Lý do trên cũng lý giải cho việc trong khi thời gian về cuối năm 2011 đã chứng kiến liêp tiếp nhiều vụ vỡ nợ BĐS gây chấn động Hà Nội, thì ở Đà Nẵng lại hầu như không có tín hiệu nào về câu chuyện đáng sợ này. Và nếu quả thực sẽ không có những vụ vỡ nợ BĐS ở Đà Nẵng thì đó chính là một may mắn lớn cho thị trường BĐS ở thành phố này.
Tuy vậy, cái may mắn cũng hàm chứa tác dụng phụ của nó. Ở Hà Nội, "cách mạng" tín dụng đen BĐS đang có chiều hướng kéo theo làn sóng bán tháo của một số doanh nghiệp và cá nhân, do đó có thể làm cho mặt bằng đất nền giảm mạnh hơn nữa trong mấy tháng cuối năm 2011, kích thích sóng mua vào. Nhưng ở Đà Nẵng, đã khá rõ là chẳng có mấy động lực để giảm giá.
Hiện tượng giá đất vẫn treo cao kèm lượng giao dịch nhỏ giọt và trên tất cả là tình trạng đóng băng thị trường, thường mô tả cho một viễn cảnh không mấy sáng sủa. Một cách nào đó, thị trường BĐS Đà Nẵng đang khá giống với tình hình giá nhà đất tại 70 thành phố lớn của Trung Quốc: giá vẫn lơ lửng ở vùng đỉnh, nhưng giao dịch thực tế lại sụt giảm đến mức khủng khiếp. Đó hoàn toàn không phải là sự an ủi đáng kể cho giới đầu cơ ngắn hạn và cả giới đầu tư dài hạn ở Đà Nẵng.
Cũng khác hẳn với "người anh em song sinh" của mình, trong thời gian qua ở Đà Nẵng hoàn toàn không có hiện tượng giới đầu cơ làm giá cục bộ một vài khu vực đất nền nào đó. Trong khi ở Hà Nội, hiện tượng Vân Canh và Bắc An Khánh phản ánh thế bĩ cực của giới đầu cơ bị kẹp hàng nên bằng mọi cách phải đẩy giá lên để thoát hàng, thì hình ảnh đầu cơ ở Đà Nẵng lại hầu như vắng bóng.
Sự vắng bóng của đầu cơ cũng là một điều tốt cho sự ổn định xã hội của thành phố này. Nhưng ở một mặt khác, hiện tượng đó lại cho thấy dòng tiền nóng - yếu tố quyết định cho việc tạo sóng tăng BĐS - cũng vắng bóng suốt từ quý 2/2011 đến giờ. Mà đã không có dòng tiền nóng thì liệu thị trường BĐS có được đội lên để cho các chủ đầu tư tiêu thụ đất nền và biệt thự.
Tình thế của thị trường BĐS Đà Nẵng càng về cuối năm càng trở nên khó xử. Giá cứ trôi ngang, tuy không giảm nhiều nhưng giao dịch thì cũng không thấy đâu. Còn nếu trông chờ vào một con sóng BĐS mới thì có lẽ phải còn khá lâu nữa.
Gần đây bắt đầu xuất hiện những dự báo khá bi quan của giới chuyên gia về viễn cảnh thị trường BĐS Đà Nẵng chỉ có thể hồi phục sớm nhất vào quý II/2012. Dự báo này có một nét nào đó khá tương đồng với những dự báo tương tự cho thị trường BĐS Hà Nội.
Tuy thế, cũng có một yếu tố khác có thể tác động phần nào đến biến động của thị trường BĐS Đà Nẵng. Đó là sự kiện mới xảy ra trong tháng 10/2011, Tập đoàn Vinpearl được UBND TP. Đà Nẵng chấp thuận cho đầu tư dự án khu giải trí Làng Vân, với tổng vốn đầu tư lên đến 5 tỷ USD. Chưa biết dự án khổng lồ này ra sao, nhưng sớm nhất phải đến năm 2015 mới đưa vào khai thác. Liệu thời điểm ấy có quá trễ cho một con sóng hồi phục của thị trường BĐS Đà Nẵng?
Còn trong ngắn hạn và cả trung hạn, không có nhiều lối thoát cho giới kinh doanh BĐS tại địa bàn Đà nẵng. Cầu chỉ có thể tăng (có thể thôi) với điều kiện tiên quyết là giá phải giảm. Giá càng giảm mạnh, nguồn cầu càng có cơ hội xuất hiện nhiều. Nhưng nếu các chủ đầu tư "kiên định" giữ giá, cầu vẫn bằng không và thị trường sẽ đóng băng vô thời hạn.
Thế khó khăn của chủ đầu tư cũng chính là lợi thế so sánh của những người dân mua đất làm nhà. Thời gian chờ đợi có thể kéo dài 6 tháng, một năm hoặc lâu hơn, nhưng chắc chắn mặt bằng giá đất nền ở Đà Nẵng, đặc biệt ở khu vực phía Đông hướng ra biển của thành phố này, sẽ phải giảm ít nhất 30% theo quy luật thoái trào sau tăng trưởng.