Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Chúc mừng GS Trần Thanh Vân được tặng Huy chương Tate của Viện Vật lý Mỹ

(DVT.vn) - Huy chương Tate của Viện Vật lý Mỹ được lập ra từ năm 1959. GS Trần Thanh Vân là nhà vật lý thứ 12 trên thế giới được tặng huy chương này.

Ngày 11/11/2011, GS Louis J. Lanzelotti, Chủ tịch Ban Lãnh đạo Viện Vật lý Mỹ, đã gửi tới GS Jean Trần Thanh Vân, giáo sư danh dự Đại học Paris 11 ở Gif-sur-Yvette, Orsay, Paris, bức công thư trân trọng thông báo cho GS Vân được biết: Viện Vật lý Mỹ đã quyết định tặng Giải thưởng Huy chương Tate năm 2011 cho ông vì đã thể hiện xuất sắc vai trò của một nhà lãnh đạo trong cộng đồng vật lý quốc tế, qua việc tổ chức hàng loạt cuộc hội nghị quốc tế về vật lý hạt cơ bản và vật lý thiên văn suốt hơn bốn thập niên qua, như Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois và Gặp gỡ Việt Nam, những cuộc gặp gỡ mang tầm quan trọng hàng đầu trong ngành vật lý thế giới.
Huy chương Tate của Viện Vật lý Mỹ dành tặng cho những nhà lãnh đạo xuất sắc trong ngành vật lý.

Khác với Giải thưởng Nobel nhằm tặng cho những nhà vật lý có phát minh kiệt xuất, Giải thưởng Huy chương Tate nhằm tặng cho những nhà vật lý đóng vai trò nổi bật trong việc tổ chức và lãnh đạo các hoạt động vật lý trên thế giới.
Giải thường Huy chương Tate được lập ra từ năm 1959. cách đây đã 62 năm, nhưng chỉ mới tặng cho 12 nhà vật lý nổi tiếng quốc tế: Paul Rosbaud (1961), H. W. Thompson (1966), Gilberto Bernardini (1972), Abdus Salam (1978), Pierre Aigrain (1981), Edoardo Amaldi (1989), Roald Sagdeev (1992), Willibald Jentschke (1996), Herwig Franz Schopper (2003), Erio Tosatti (2005), Yo Lu (2007), và Jean Trần Thanh Vân (2011).

Huy chương mang tên John Torrence Tate được tặng trung bình 5 năm một lần cho một nhà vật lý lỗi lạc về tổ chức và lãnh đạo. Trong số 12 nhà lãnh đạo trong ngành vật lý thế giới đã được tặng Giải thưởng Huy chương Tate, ta thấy có GS Abdus Salam, Giải thưởng Nobel. Abdus Salam được tặng Huy chương Tate không phải về phát minh vật lý, mà là về tài tổ chức và lành đạo trong ngành vật lý: Ông đứng ra sáng lâp Trung tâm Quốc tế Vật lý lý thuyết và Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới Thứ ba đặt trụ sở tại thành phố Trieste, Italy, nhờ đó thúc đẩy sự phát triển khoa học ở các nước đang phát triển.

Để bạn đọc có thêm thông tin về sự kiện này, chúng tôi giới thiệu sau đây bức công thư của GS L. J. Lanzelotti, Chủ tịch Viện Vật lý Mỹ, gửi GS Jean Trần Thanh Vân:

“Giáo sư Jean Trần Thanh Vân kính mến,
Trong cuộc họp ngày 8/11/2011, Hội đồng Lãnh đạo Viện Vật lý Mỹ đã thông qua đề nghị của Ủy ban xét tặng Giải thưởng Huy chương Tate năm 2011 là trao cho giáo sư vinh dự này, niềm vinh dự dành riêng cho các nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực vật lý.
Huy chương Tate được lập ra năm từ 1959 nhằm công nhận vai trò một nhà lãnh đạo đã phục vụ cộng đồng vật lý ở cấp độ quốc tế mà nhà lãnh đạo ấy không phải là người Mỹ. Các hoạt động của giáo sư đã giúp tăng cường sự hiểu biết quốc tế thông qua việc trao đổi thông tin và tranh luận khoa học mà chúng tôi coi là quan trọng hàng đầu. Tôi xin nêu lên sau đây một đoạn trích trong lời đánh giá của Ủy ban xét tặng Huy chương Tate:
"Viện Vật lý Mỹ trân trọng tặng Huân chương Tate cho nhà lãnh đạo quốc tế trong ngành vật lý SJean Trân Thanh Vân, người đã giữ vai trò tổ chức và lãnh đạo kéo dài hơn bốn thập niên đối với cộng đồng các nhà vật lý vượt qua mọi biên giới quốc gia và sự khác biệt về bản sắc văn hóa, thông qua các cuộc Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois, và cũng là người nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng một cộng đồng khoa học hiện đại tại Việt Nam."

Giải thưởng gồm một huy chương bằng đồng, giấy chứng nhận và một tờ ngân phiếu 10.000 USD. Huy chương sẽ được trao tại một cuộc họp thích hợp của các thành viên Viện Vật lý Mỹ. Chi phí cuộc đi của giáo sư sẽ được Viện hoàn trả.
Viện Vật lý Mỹ sẽ giới thiệu quyết định tặng Huy chương Tate năm nay tại cuộc họp Hội Vật lý Mỹ sẽ diến ra từ ngày 31/3 đến 3/4/2012 ở Atlanta.
Thay mặt Viện Vật lý Mỹ và các tổ chức thành viên của Viện, tôi xin gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới giáo sư,
Louis J. Lanzerotti
Chủ tịch Ban Lãnh đạo”


Báo DVT.vn trân trọng gửi đến GS Trần Thanh Vân lời chúc mừng nồng nhiệt.
Niềm vinh dự này không chỉ dành riêng cho Giáo sư Vân, mà còn dành cho cộng đồng các nhà vật lý Việt Nam.
Ngay từ năm 1993, khi Mỹ còn cấm vận Việt Nam, GS Vân đã về nước, hợp tác với GS Nguyễn Văn Hiệu và Viện Vật lý Việt Nam tổ chức thành công Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất về vật lý hạt cơ bản và vật lý thiên văn, thu hút nhiều nhà vật lý Mỹ và châu Âu đến Hà Nội tham dự, trong đó có GS Jack Steiberger, quốc tịch Mỹ, Giải thường Nobel. Sau cuộc gặp gỡ, GS J. Steinberger đã gửi điện cho Tổng thống Mỹ Bill Clinton yêu cầu dỡ bỏ ngay lệnh cấm vận đối với Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương và GS Nguyễn Văn Hiệu tiếp các nhà vật lý Việt kiều.

Những năm sau đó, GS Trần Thanh Vân và GS Nguyễn Văn Hiệu còn hợp tác tổ chức sáu lần Gặp gỡ Việt Nam tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

GS Trần Thanh Vân còn là nhà đồng sáng lập Trường Vật lý Việt Nam (Vietnam School of Physics), thu hút cả những nhà nghiên cứu trẻ từ các nước và lãnh thổ châu Á khác đến dự, như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thái-lan, Indonesia, Nepal, v.v.
Tổ chức khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã trao tặng hàng chục nghìn suất học bổng cho học sinh THPT, sinh viên đại học và các nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc.

GS Trần Thanh Vân và tổ chức Gặp gỡ Việt Nam còn tiến hành xây dựng Trung tâm Quốc tế Gặp gỡ khoa học và giáo dục liên ngành trên bờ biển Quy Nhơn, vơí diện tích 200 nghìn mét vuông, gồm các hội trường lớn nhỏ, khách sạn cao cấp, những ngôi nhà thư giãn thiền định, những con đường đi dạo dưới tán lá rừng dừa…
Hàm Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét