Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

Xót xa khoảng cách giàu nghèo


TBKTSG) - Tôi và người bạn vào uống cà phê ở một quán nổi tiếng tại quận 3, giá mỗi ly cà phê đen không ít hơn 30.000 đồng. Anh kể, anh vừa gặp lại một người bạn cũ, hiện đang làm công nhân ở Đồng Nai. Bạn anh làm tăng ca thường xuyên nhưng lương cũng không quá 3 triệu đồng/tháng nên không bao giờ dám uống ly cà phê giá hơn 4.000 đồng!
Một cô bạn khác thì kể, cô được một chị bạn mời đi ăn tại một khách sạn lớn. Do người bạn vừa trúng đậm một thương vụ nhà đất nên không ngại gì nhưng cô thì thấy giật mình, bởi giá tiền mỗi phần ăn có thể nuôi sống một gia đình trong cả tháng…
Nếu tình cờ đi sang khu Phú Mỹ Hưng, nhiều người ngạc nhiên vì tưởng mình… lạc vào một đất nước khác. Ở đó, bên cạnh sự sạch sẽ, khang trang, hiện đại dĩ nhiên là sự giàu có của các cư dân. Chỉ tính riêng các khoản phí hàng tháng của một gia đình (vệ sinh, an ninh, chiếu sáng…), có thể nhiều hơn tổng thu nhập của một hộ nghèo tại thành phố này trong một tháng (và sẽ gấp nhiều lần thu nhập của một hộ nghèo tại các tỉnh khác). Từ đó có thể thấy chênh lệch mức sống như thế nào và đằng sau đó là chênh lệch về chất lượng sống.
Những chuyện như thế đang diễn ra ở khắp nơi trên đất nước ta với những mức độ khác nhau. Năm 2007, có người đã đặt ra tình huống hai người ăn một con gà nhưng kỳ thực chỉ có một người ăn nguyên con, còn người kia… đứng nhìn.
Sau ba năm, tình hình có thể có khác đi, theo hướng là ba người ăn hai con gà. Tính bình quân thì một người ăn được hơn nửa con nhưng liệu có xảy ra tình huống một người ăn cả hai con, còn hai người kia đứng nhìn, hoặc một người ăn gần hết hai con, một người ăn phần còn lại và vẫn có một người nhịn?
Đó là một thực tế xót xa. Bởi vì, nhìn toàn cảnh, xã hội ngày càng phát triển, đất nước ngày càng giàu mạnh. GDP hàng năm vẫn tăng đều đặn, thu nhập bình quân đầu người vẫn không ngừng tăng trưởng. Đó là xu hướng tích cực mang tính tất yếu. Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo theo đó cũng tăng lên. Điều đáng nói là dường như những người giàu thì ngày càng có xu hướng giàu thêm còn người nghèo tuy không nghèo hơn nhưng rất khó có sự cải thiện lớn về thu nhập do hạn chế về vốn, trình độ văn hóa, tay nghề…
Từ chênh lệch thu nhập sẽ kéo theo chênh lệch về khả năng được đáp ứng yêu cầu về giáo dục, y tế, giải trí… Tức là chất lượng sống của một bộ phận đông đảo người dân vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Điều tiết sự chênh lệch khoảng cách giàu nghèo phải bằng những chính sách mang tầm chiến lược, chứ không thể đơn lẻ ở từng địa phương. Dù vậy, việc thực hiện sự điều tiết này phải do tất cả các ngành, các cấp, các địa phương chứ không chỉ trông mong tất cả vào Chính phủ. Trước hết, phải có một quan điểm nhất quán và xuyên suốt về công bằng xã hội. Công bằng không phải là cào bằng mà phải có sự quan tâm đúng mức, đồng bộ và thỏa đáng đến tất cả các nhóm cư dân. Chẳng hạn, tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp thì cũng phải có biện pháp giúp đỡ nông dân, chăm lo cho các đối tượng thuộc diện chính sách, bảo trợ xã hội…
Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng nâng chất lượng cuộc sống của người dân, xem đó là mục tiêu của việc giảm chênh lệch giàu nghèo, chứ không phải chỉ xét ở vấn đề thu nhập. Các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là về y tế, giáo dục, cần được quan tâm đúng mức. Chẳng hạn, nên triệt để miễn (chứ không chỉ giảm) học phí và các khoản thu khác cho học sinh, sinh viên thuộc diện khó khăn, chính sách. Tương tự, ở lĩnh vực y tế, có thể không thực hiện chính sách đồng chi trả cho đối tượng nghèo và chính sách…
Một chính sách khác cũng cần quan tâm là thuế. Với thuế thu nhập cá nhân, cần xem lại mức khởi điểm tính thuế và các khoản giảm trừ gia cảnh để những người có thu nhập thấp và trung bình không phải đóng thuế. Mặt khác, cần nghiên cứu tăng thuế đối với những người tiêu dùng các hàng hóa, sản phẩm xa xỉ, đắt tiền, đồng thời tính toán việc áp thuế đối với các hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.
Chính sách vĩ mô phải đảm bảo xu hướng là ngày càng có nhiều người được ăn mà phần ăn cũng phải được tăng lên. Xét cho cùng, đó là mục tiêu chung của các nước chứ không riêng gì Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét