Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

Đằng sau những thân phận dễ tổn thương


Ai, cái gì đằng sau những phần nổi, phần chìm của những nỗi đau khổ mà người nghèo, người yếu thế đang phải chịu đựng chắc hẳn là những câu chuyện dài còn chưa được nói tới.
Câu chuyện em bé bị bỏng
Tại một xã vùng sâu vùng xa của miền núi có số lượng đáng kể người địa phương thuộc dân tộc S’tiêng, một gia đình người dân tộc ở khá sâu trong rừng có đứa con nhỏ chín tháng tuổi bị bỏng do người mẹ bất cẩn để đổ cháo nóng vào chân bé.
Gia đình vẫn để bé ở nhà mà không đưa đi cơ sở y tế hay bệnh viện nên vết thương ngày càng trầm trọng, nhiễm trùng rồi hoại tử đến mức nhìn thấy cả xương. Từ một đứa bé khỏe mạnh, bụ bẫm, bé trở nên gầy gò suy kiệt vì đau đớn và biến chứng nhiễm trùng, đã cận kề cái chết.
Đó là câu chuyện không quá hiếm hoi về người nghèo, người dân tộc thiểu số, và nhiều đối tượng dễ tổn thương khác. Người ta có thể chạnh lòng khi nghe câu chuyện, rồi kết luận rằng chắc hẳn vì quá lạc hậu và thiếu hiểu biết nên đã không chữa trị kịp thời mới dẫn đến tình trạng đó. Nhưng tại sao lại thiếu hiểu biết và tại sao không đưa em đi bệnh viện? Tôi đã hỏi họ và đó là cả một câu chuyện dài.
Họ nói rằng không đi vì ở quá xa trạm y tế và bệnh viện, và họ không có xe máy. Thế còn xe ôm? Họ nói họ nghèo mà tiền xe ôm rất đắt, và sợ rằng bệnh viện thì còn tốn kém hơn nữa.
Tôi hỏi họ có biết chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi là miễn phí, và Nhà nước có chính sách ưu tiên về y tế cho người dân tộc không? Câu trả lời là không biết gì về những chính sách đó, không ai nói cho họ biết cả. Chỉ biết đối với họ, bệnh viện rất mắc tiền, trong khi họ không rành tiếng Kinh, không biết chữ nên tới đó không hiểu gì và thường bị các y tá, bác sĩ la mắng quát nạt, vì vậy họ không đi bệnh viện nữa.
Vì sao họ không rành tiếng Kinh, không đi học? Vì trường ở xa, vì nghèo không có tiền mua sách vở, áo quần và đóng học phí, vì nếu đi học mà không đi làm mướn hay săn thú thì có thể đói mà chết. Không học thì không thể chết ngay được, nhưng họ sẽ chết vào những lúc khác, mà có thể chính họ cũng không biết.
Và vì sao họ ở xa như vậy, đến nỗi thông tin không biết, và trường học, bệnh viện là chuyện quá xa vời? Trước đất rừng kéo dài đến tận đường lớn và họ sống với rừng từ bao đời. Nhưng rừng càng ngày càng lùi xa vì đất rừng được quy hoạch thành lâm trường, trang trại trồng cao su, cà phê, điều… Họ không có tiền để sở hữu đất này, nên chỉ làm thuê làm mướn cho những trang trại đó và sống nhờ vào khoảng rừng ít ỏi còn lại, săn thú rừng, đào măng, lượm củi. Trang trại ngày càng mở rộng thì họ càng lùi vào sâu hơn, xa khỏi các trung tâm thị tứ hơn. Nếu họ không phải lùi vào xa như thế họ sẽ không phải kém hiểu biết và chết vì không tiếp cận được với giáo dục và y tế.
So sánh nào cũng khập khiễng, nhưng bản thân tôi không ít lần vào bệnh viện hoặc có người nhà đi bệnh viện và bị đối xử thiếu thân thiện. Nhưng tôi có hiểu biết nên không bỏ cuộc vì thái độ khiếm nhã, tôi có thể nói năng mạch lạc và biết tìm chỗ khiếu nại nếu bị đối xử quá đáng, hoặc đưa “phong bì” để được phục vụ tử tế hơn, hoặc đơn giản là gọi điện thoại cho một người bạn nào đó trong ngành y tế để được “gửi gắm”.
Tôi còn có những lựa chọn khác như đi bệnh viện tư, khám ngoài giờ. Tôi không thể chết vì tôi có những mối quan hệ xã hội từ vị trí của mình và vì tôi không quá nghèo như những người dân tộc kia. Nhưng họ thì không có nhiều điều kiện và nhiều lựa chọn như thế để sống còn. Do đó, những kết cục bi thảm đã đến với họ dễ dàng và hiển nhiên như vậy.
Ai giết chết em bé ấy? Không ai cả. Nhưng dường như là tất cả đã cùng giết em: nghèo đói, thiếu tiếp cận với giáo dục, y tế, sự thiếu thân thiện của trường học, sự phân biệt đối xử và thái độ của cán bộ ngành y tế, sự thiếu quan tâm của chính quyền, việc quy hoạch và phát triển không nhắm đến tạo điều kiện sinh sống cho những người dân bản địa làm cho nghèo đói và sự tổn thương trở nên sâu sắc hơn…
Tất cả là câu chuyện dài đằng sau vết bỏng và cái chết của em bé. Em chính là nạn nhân của cả một cơ cấu phát triển đã đẩy những nhóm, tầng lớp thiệt thòi và yếu thế ra ngoài lề; cũng như là nạn nhân của hệ thống an sinh xã hội vốn đã có nhiều lỗ hổng lại yếu kém trong thực thi.
Những đứa bé có hoàn cảnh tương tự, có thể gặp phải kết cục tương tự như em không? Rất có thể. Bởi vì những gì giết chết em không tình cờ, không từ một người, một sự việc riêng lẻ. Các nhà khoa học xã hội gọi hiện tượng đó là “bạo lực có hệ thống”.
“Bạo lực có hệ thống” là gì?
Bạo lực có hệ thống, từ tiếng Anh là “structural violence”, là thuật ngữ xã hội được sử dụng lần đầu tiên từ những năm 1960, sau này được các nhà nhân chủng học như Paul Farmer, Philippe Bourgois… phát triển, dùng để phân tích và mô tả hiện tượng những con người dưới đáy xã hội do địa vị, do tình trạng kinh tế, sắc tộc, giới tính, hay tuổi tác…, trở nên dễ tổn thương và phải chịu đựng những bi kịch thảm thương về tinh thần và thể xác, sức khỏe và cả chết chóc. Bi kịch của họ không chỉ từ một cá nhân riêng lẻ nào đó gây ra, mà từ nhiều nhân tố khác nhau, có cơ cấu liên quan chặt chẽ với nhau một cách hệ thống.
Tình trạng bạo lực có hệ thống đó có thể gây ra những đau khổ chất chồng, chất lượng sống tồi tệ và cả cái chết của nhiều người, nhưng thường âm thầm và vô hình, và ít hiện diện trong những báo cáo, nghiên cứu kinh tế và xã hội do không thể định lượng bằng số liệu thống kê. Những bạo lực hệ thống liên quan đến giới, tình dục, pháp chế… lại càng sâu xa nhạy cảm, phức tạp, khó nhìn thấy, khó “gọi mặt đặt tên”, và vì thế, sự chịu đựng và đau khổ của nạn nhân càng trầm trọng và tuyệt vọng hơn.
Ví dụ những câu chuyện khá phổ biến mà báo chí đang đưa tin về vụ án chó cắn chết người ở một trang trại, chuyện hiệu trưởng mua dâm học sinh và ép các em phải bán dâm cho những người khác, chuyện xâm hại tình dục nơi công sở và sau đó người bị hại còn bị vu khống... Nhưng đó vẫn chỉ là phần nổi nhỏ của tảng băng chìm chứa đựng vô số những chịu đựng và thiệt thòi của những người yếu thế trong xã hội.
Nếu những bạo lực đơn thuần từ một cá nhân riêng lẻ có thể được giải quyết và ngăn ngừa bằng các công cụ pháp luật, thì bạo lực có hệ thống không dễ dàng như thế, do nguyên nhân thường phức tạp từ những vấn đề kinh tế xã hội mang tính nhân-quả, kể cả những câu chuyện bức xúc đang được công luận soi xét. Thậm chí khi bị đưa ra công luận, bị dư luận xã hội phẫn nộ lên án, một số người trong hệ thống đôi khi còn quyết liệt tự vệ và chứng tỏ sức mạnh của nó bằng cách đổ lỗi cho những người yếu thế, và làm cho tình trạng của nạn nhân trở nên thê thảm hơn.
Ai, cái gì đằng sau những phần nổi, phần chìm của những nỗi đau khổ mà người nghèo, người yếu thế đang phải chịu đựng chắc hẳn là những câu chuyện dài còn chưa được nói tới. Cũng như chuyện một y tá có nguy cơ bị lạm dụng tình dục vì bị dọa làm khó dễ nơi công sở và nếu tuân phục sẽ được ưu ái hơn. Hay chuyện các em học sinh bị ép phải bán dâm chỉ vì sợ bị hạ hạnh kiểm thật đáng kinh ngạc nhưng nó vẫn xảy ra. Những lời đe dọa đó sẽ không làm nên chuyện nếu đằng sau đó không có cả một chuỗi nhân-quả chằng chịt. Hệ thống đó không cho phép họ có chọn lựa khác, cũng như em bé S’tiêng phải đau đớn chờ chết chỉ vì một vết bỏng cháo.
Hãy nhớ em bé đó là đối tượng ưu tiên của xã hội ta về y tế và nhiều mặt. Hãy nhớ là chúng ta đã tham gia Công ước quốc tế và Quyền trẻ em cũng như có vô số cơ quan, luật lệ và chính sách hỗ trợ và bảo vệ trẻ em, phụ nữ, người nghèo, người dân tộc. Vậy hãy xem lại luật pháp và cơ chế thực thi những vấn đề đó đến đâu. Phía sau những câu chuyện vô hình hay hữu hình của bạo lực có hệ thống là những câu chuyện dài khác của một cơ chế xã hội dường như còn bỏ quên người nghèo, cùng thân phận quá dễ tổn thương của họ.

(*) Thạc sĩ phát triển quốc tế và thay đổi xã hội, IFP Alumna
By Tran Thi Thanh Huong - The Sai Gon Times Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét