Thứ Hai, 20 tháng 9, 2010

ĐỌC SÁCH

Đọc sách

Cổ nhân đã nói " Hãy nói cho tôi biết bạn đọc sách gì, tôi sẽ biết bạn là người như thế nào?"
Trong thế giới hiện đại và đầy bận rộn ngày nay, việc giữ thói quen đọc sách truyền thống là một điều rất khó. Chiều ngày 16 tháng 9, Nhà Tri Thức Huế (MDS) đã mời học giả Bửu Ý-một nhà họat động văn hóa Huế nổi tiếng, có buổi nói chuyện với các bạn trẻ quan tâm tới việc đọc sách. Đây cũng là cơ hội để người nghe học hỏi thêm kinh nghiệm từ một bậc học giả uyên thâm có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn và gìn giữ và phát huy văn hóa Huế.

Mở đầu buổi nói chuyện, học giả Bưu Ý đã có nhận xét rằng: hiện nay số người đọc sách đã giảm nhiều do có nhiều phương tiện nghe nhìn hiện đại làm cho con người thấy tiện lợi, nhanh, không cần nỗ lực, vất vã cũng có thể nắm bắt thông tin. Mặt khác, số người viết sách cũng đã giảm đi, do việc họ đã chuyển qua viết báo (có thu nhập hơn) hoặc nhà văn ngày nay thường muốn đứng trước máy thu hình (thay vì thư phòng) để được tiếng tăm hơn, hình ảnh lan truyền nhanh hơn…Một thực tế nữa là hiện nay nhiều độc giả có blog riêng và thường đọc sách trên internet thay vì sách giấy, điều này cũng làm cho số độc giả truyền thống của sách giấy giảm đi.

Học giả Bửu Ý nói tiếp: cho dù lượng sách in bị thu rũ lại, nhưng việc đọc sách và sự tồn tại của sách t hì vẫn như thường, các giải thưởng về viết sách ngày càng phát triển và có thể nói là nhiều hơn trước (không nói về chất lượng). Sách vẫn là mặt hàng, là thức ăn cho trí óc. Năm 2006, UNESCO đã chọn ngày 23 tháng 4 làm ngày đọc sách thế giới. Ở Việt Nam có hệ thống thư viện tử TW đến địa phương và duy trì bình thường các hoạt động đọc sách của độc giả, các thành phố lớn còn duy trì được họat động Hội Sách…như vậy đời sống của sách được nâng niu và kính trọng trong nhiều thế hệ đọc giả. Đọc sách là đời sống trong bóng râm, là đời sống hay bộ mặt đời sống con người, mang lại sự dễ chịu, thư nhàn, xa tiếng động và sự bon chen. Đọc sách đưa người đọc tới gần với nhiều người vắng mặt, suy tư sâu xa hơn ta sẽ thấy điều đó dễ chịu vô cùng; chắc chắn rằng không ai phản ứng với sách một cách phẫn nộ như : ném sách vào lửa…Về việc đọc sách, học giả Bửu Ý chốt lại bằng câu chuyện ngắn: Một em bé hỏi người anh trai của mình: " Anh đã biết đọc thì còn đọc làm gì nữa?, người anh trả lời " Em ơi, chính vì biết đọc rồi mà cần phải đọc nữa, đọc mãi, như em đó, biết đi rồi em cần phải học cách đi ngay ngắn và đi xa hơn" (chí lí quá đi thôi).

Học giả Bửu Ý đã khái quát về phân loại sách và kỹ thuật bố cục của 1 quyển sách để người đọc có thể chọn cho mình một loại sách yêu thích và biết cách đọc sách thiết thực. Kết thúc phần này ông đã dùng lời cổ nhân để khái quát vấn đề như sau: " Tôi muốn rèn luyện tâm hồn, hơn là chất mọi thứ cho tâm hồn" hay " Tận tín thư, bất như vô thư" (Tin tưởng tuyệt đối vào sách chẳng bằng không có sách).

Chuyển qua phần Phương pháp đọc sách, học giả Bửu Ý đã giới thiệu một số phương pháp đọc như : đọc thầm, đọc to, cách đọc chéo và cách ghi chép khi đọc…để người đọc hiểu hơn và rèn luyện thêm cho mình về tinh thần và tình cảm.

Kết thúc buổi nói chuyện học giả Bửu Ý đã khuyên các bạn trẻ nên thường xuyên trau dồi tiếng Việt, nếu có thời giờ nên viết nhật ký (vì rất có lợi cho sức khỏe, thể chất và tinh thần). Phải đọc được, và biết cách đọc mới có thể viết ra được; chắc chắn có sự liên kết giữa đọc và viết (vì người ta thường đọc những gì đã viết). Trong cuộc sống ngày nay, có hai hoạt động đọc song song đó là đọc báo chí-tập san để nắm bắt thông tin và đọc một tác phẩm tiếng Việt (cổ điển, sách hay…) để trau dồi tiếng mẹ đẻ (.trước khi tiếp cận các ngôn ngữ khác).

Buổi nói chuyện kết thúc trong sự hân hoan của các bạn trẻ như được tặng "cái xẻng vạn năng" để có thể đào xới nhiều và nhanh hơn kho tàng kiến thức của nhân loại trong sự tồn tại ngắn ngủi của đời người. Để kết thúc bài viết này , xin được mạn phép dẫn lại lời nhập đề trong giấy mời tham dự buổi nói chuyện mà theo tôi rất có ý nghĩa:
Người phương Đông có câu “Thư trung hữu ngọc” tức là trong sách có ngọc. Những bậc vĩ nhân hay những người thành đạt trong nhiều lĩnh vực khoa học đều khẳng định rằng một trong những yếu tố có vai trò quan trọng trong việc phát triển và định hình tư duy của họ là nhờ vào đọc sách. Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, khi văn hoá nghe nhìn đang lấn át văn hoá đọc và đứng truớc một khối lượng khổng lồ sách xuất bản trên thị trường, đọc sách có phương pháp lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết đối với những ai muốn xây dựng cho mình một thói quen đọc sách hiệu quả.

Đọc sách là để mở rộng hiểu biết của mình. Thế nhưng, không phải cách đọc nào cũng đưa người đọc đạt được mục tiêu trên. Liệu mấy ai ý thức được rằng đọc sách cũng là cả một nghệ thuật? "
Mong rằng, sẽ có nhiều người quan tâm đến các họat động văn hóa của MDS và Nhà Tri Thức Huế sẽ duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa thú vị và bổ ích này.
Phan Văn Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét