Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

Xe đạp

Năm 1817, một người Đức là Nam tước Baron Von Drais - được mệnh danh là ông tổ của xe đạp đã chế tạo ra một chiếc xe mang tên ông có bánh trước dùng để lái.
Thế giới ngày càng văn minh hơn, con người ngày nay đã chế tạo được phi thuyền thám hiểm vũ trụ xa xôi, nhưng xe đạp và việc đi xe đạp vẫn còn có ý nghĩa sâu sắc.

Tuy thế giới giàu có hơn gấp ngàn lần so với gần 200 năm trước, nhưng số nguời nghèo đói vẫn còn đó gần 1,7 tỉ người (http://www.phunuonline.com.vn/2010/Pages/the-gioi-tang-them-64-trieu-nguoi-ngheo-doi.aspx), và chắc chắn đối với những người này, xe đạp vẫn là một tài sản mơ ước.
Những quốc gia giàu có hơn, người ta đang vận động người dân sử dụng lại xe đạp (Paris, Lodon…) để giảm khí thải và tăng cường sức khỏe thông quan vận động liên tục hàng ngày; có thể thấy nhiều lãnh tụ ở các nước tiên tiến sử dụng xe đạp mỗi khi có thể để tuyên truyền khuyến khích người dân sử dụng lại phương tiện xe đạp.

Ở Việt nam, thời kỳ Pháp thuộc, những người đi xe đạp ở miền quê chắc phải là những người rất giàu có.
Cách đây hơn 20 năm khi còn học đại học, những sinh viên nội trú có xe đạp chắc hẵn gia đình phải là khá giả (khi đó Hà nội-thủ đô của Việt nam còn được người phương Tây gọi là "thành phố xe đạp").
Ngày nay trên đường phố ở các đô thị lớn Việt nam, xe đạp như là phương tiện giao thông phổ biến ngày càng vắng bóng, nhường chổ lại cho xe máy và xe hơi. Tuy nhiên, ở các vùng miền quê xe đạp vẫn còn đó vai trò "lịch sử "của mình.

Gần đây có dịp thăm một số trường tiểu học ở vùng quê Thừa Thiên Huế, trong sân trường tôi thấy có rất nhiều xe đạp. Tuy nhiên, giờ tan trường, vẫn thấu được rất nhiều học sinh xếp hàng để cuốc bộ về nhà. Nói chuyện với một số em, các em cho biết rất mong muốn có 1 chiếc xe đạp để khỏi phải đi bộ, nhiều em có nhà cách trường 40-50 phút đi bộ, đặc biệt những ngày trời nắng gắt hay mưa lớn thì đi lại rất vất vã. Hỏi các thầy cô giáo thì được biết đó là các em gia đình rất nghèo nhưng hiếu học, nhà có xe đạp thì bố mẹ đã sử dụng để đi làm ăn xa từ sáng sớm đến chiều tối mới về; các em đã vượt khó để tiếp tục theo học bằng mọi cách, mong thoát nghèo trong tương lai.
Tôi cứ suy nghĩ mãi một điều: người giàu đang rời xe hơi chuyển sang đi xe đạp để chống béo phì và giảm ô nhiễm môi trường, người nghèo thì cố gắng sắm được xe đạp để giảm hao sức và tiếp cận nhiều hơn với tri thức, tăng thu nhập. Phải chăng, xe đạp đang là biểu tượng của "bình đẳng xã hội". Tôi rất yêu xe đạp!
Phan Văn Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét